Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định là một trong 3 khâu đột phát chiến lược vì kết cấu hạ tầng hạn chế là một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.
Nhận thức đúng đắn điều này, Quảng Ninh đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông trên cơ sở tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh trong giai đoạn mới.
Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”
Thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg, ngày 10/12/2004, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến hết năm 2020, trong thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh, HĐND, UBND tỉnh luôn xác định công tác tham mưu trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giao thông vận tải. Hầu hết, các công trình được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp với quy mô lớn, hiện đại.
Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh đã triển khai cụ thể hóa các nghị quyết, chiến lược thành các nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở để từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tổng vốn đầu tư cho công trình giao thông trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 là khoảng 58.000 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn xã hội hóa khoảng 36.000 tỷ đồng, chiếm 62% tổng vốn đầu tư).
Tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng mới gần 97 km đường cao tốc và đang triển khai thi công tiếp hơn 80 km đường cao tốc từ Vân Đồn ra Móng Cái; cải tạo nâng cấp được 130 km quốc lộ; 66 km đường tỉnh; cải tạo, làm mới 744 km đường huyện, 2.440 km đường giao thông nông thôn, miền núi; mở mới và đưa vào khai thác sử dụng 65 km luồng đường thủy nội địa.
Trong đó có hàng loạt các công trình trọng điểm tiêu biểu, mang tính đột phá như Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Đường trục chính Vân đồn; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với quy mô cấp 4E cho phép đón được các tàu bay hiện đại nhất hiện nay; Hoàn thành đưa vào khai thác Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai - Cảng khách chuyên biệt duy nhất ở Việt Nam có thể đón đồng thời 2 tàu có sức chứa trên 8.000 khách...
Các dự án hạ tầng giao thông được đưa vào khai thác đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách của tỉnh cũng như của khu vực và của cả nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xóa đói, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.
Đặc biệt, một số công trình giao thông mang tính chất tiêu biểu có tầm vóc và quy mô lớn như Công trình Hệ thống giao thông kết nối 104 thôn, bản huyện Bình Liêu... được gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đổi mới trong hoạt động vận tải
Mục tiêu chính trong xây dựng hệ thống huyết mạch giao thông nhằm phục vụ hoạt động vận tải và ngược lại. Khi xã hội phát triển, nhu cầu vận tải tăng cao kéo theo áp lực đối với xây dựng, khai thác và cải tạo hạ tầng giao thông. Do đó, nhiệm vụ đầu tư về hạ tầng giao thông vận tải và hoạt động vận tải cần phải có sự gắn kết phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.
Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động vận tải đã có nhiều đổi mới theo hướng kết hợp liên hoàn đa phương thức (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, hàng không) và tiến tới hình thành chuỗi cung ứng logistic, có khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải cho các thành phần kinh tế.
Nhiều loại hình vận tải đã được đổi mới, nâng cao chất lượng khai thác như xe chất lượng cao, tàu cao tốc; đội tàu tham quan vịnh với các sản phẩm dịch vụ cao cấp như tàu ngủ đêm trên vịnh, tàu chất lượng cao đi các tuyến đảo, đưa xe điện vào hoạt động khai thác phục vụ khách du lịch…
Công tác vận tải phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giảm giá thành, cạnh tranh lành mạnh, văn minh lịch sự. Hệ thống xe buýt được quy hoạch phù hợp với lộ trình các tuyến xe chạy đường dài, tổ chức lại công tác quản lý xe taxi…
Với những kết đã đạt được, đến nay Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc khi có đầy đủ các loại hình giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không).
Đây sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để tỉnh Quảng Ninh có được những bước phát triển vượt bậc hơn nữa trong tương lai.