Câu chuyện của hàng trăm hộ dân viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo, cùng với những quyết sách về giảm nghèo bền vững…là minh chứng cho hiệu quả việc nhân lên ý chí tự lực, chủ động thoát nghèo ở Quảng Ninh.
Xóa nghèo ở huyện nghèo nhất Quảng Ninh
Khoảng 5 năm trở về trước, nhiều người dân Ba Chẽ - huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn tư tưởng trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cho rằng "còn nghèo là còn lợi". Thậm chí, thông qua các đợt rà soát hộ nghèo, nhiều gia đình đã đủ điều kiện song vẫn kiên quyết không thoát nghèo. Thế nhưng hiện nay, tư tưởng ấy đã bị loại bỏ.
Gia đình chị Bàn Thị Nhung (thôn Khe Mười) trước kia là một trong những hộ nghèo của xã Đồn Đạc. Mặc dù chăm chỉ làm ăn, nhưng chưa tiếp cận được phương pháp nuôi trồng khoa học, chị liên tiếp gặp thất bại hết lần này đến lần khác, vốn liếng không thể thu hồi. Cái nghèo, cái khó cứ thế bám riết lấy chị. Năm 2018, xét trên nhiều tiêu chí, gia đình chị Bàn Thị Nhung vẫn chưa đủ nằm trong diện thoát nghèo.
Thế nhưng, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương và quyết tâm của gia đình, vợ chồng chị quyết định làm đơn xin thoát nghèo. Lý do đơn giản chỉ là "thoát nghèo để còn có động lực mà làm kinh tế". Nói là làm, vợ chồng chị đăng ký được hỗ trợ chăn nuôi lợn đàn. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ xã, chị Nhung mạnh dạn chuyển đổi mô hình sang nuôi gà, trồng mía, đến nay đời sống gia đình chị dần khấm khá.
Là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, nhưng những năm gần đây, công tác giảm nghèo tại huyện Ba Chẽ đã có bước chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên. Có được kết quả này là nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn huyện để từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Ông Hoàng Ngọc Quyền - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Chẽ, cho biết: Trong những năm qua và đặc biệt là năm 2022, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện đã nỗ lực tham gia công tác giảm nghèo. Ủy ban MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội thống nhất thực hiện các cuộc vận động, chọn tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo, gắn với giảm nghèo bền vững làm công tác trọng tâm trong các kế hoạch hoạt động.
Đến nay, 100% Ban công tác Mặt trận cùng với các tổ chức thành viên phân công hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ, có lộ trình. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay đã vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ xây dựng 104 nhà ở, 86 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Ủy ban MTTQ các cấp còn phối hợp các tổ chức thành viên nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo...
Từ các cuộc vận động, các phong trào, mô hình, đến hết năm 2022 công tác giảm nghèo được đặc biệt chú trọng, toàn huyện giảm được 160 hộ nghèo, 547 hộ cận nghèo; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,62%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 66 triệu đồng/ người/năm, đạt 108,3% kế hoạch, tăng 18,2% so với cùng kỳ.
Cách làm của Quảng Ninh
Bước vào năm 2022, với chuẩn nghèo đa chiều mới (giai đoạn 2022-2025) theo quy định của Trung ương, Quảng Ninh có 1.511 hộ nghèo (tương đương 0,41% hộ dân trong toàn tỉnh) và 5.391 hộ cận nghèo (tương đương 1,46%), đến cuối năm toàn tỉnh đã giảm được khoảng 0,11% hộ nghèo.
Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết quy định về cơ chế quản lý, nguồn lực và nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tỉnh đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng chương trình đến các xã, thôn, bản biên giới, hải đảo (67 xã, phường, gồm 56 xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và 11 xã đảo) và gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, kết luận làm cơ sở hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng Nông thôn mới hiệu quả. Qua đó, góp phần tích cực giúp giảm nghèo bền vững tại các địa phương, nhất là ở vừng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Có thể thấy, bằng sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung sức đồng lòng của người dân, đến hết năm 2022, 4 đơn vị cấp huyện của tỉnh là Vân Đồn, Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới; huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Tỉnh có 98/98 xã cơ bản đạt tiêu chí Nông thôn mới, 13/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh trở thành tỉnh Nông thôn mới vào cuối năm 2022.
Để công tác giảm nghèo trong những năm tiếp theo đạt mục tiêu đề ra, bằng tất cả nguồn lực hiện có, Quảng Ninh tiếp tục giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; tập trung rà soát, đánh giá các nhóm nghèo, nguyên nhân nghèo để từ đó có giải pháp khắc phục, giúp người dân thoát nghèo phù hợp; hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ trong phát triển sản xuất; phân công thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp theo dõi, hỗ trợ người dân để những hộ thoát nghèo không tái nghèo; vận động nhân dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất, mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần.