Để đảm bảo nghề nuôi thủy sản bền vững, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) dự kiến phải chuyển đổi khoảng 164.000 quả phao xốp sang vật liệu nổi hợp chuẩn. Cùng với việc chuyển đổi vật liệu, Quảng Yên cũng định hướng người dân chuyển đổi nghề nuôi cho phù hợp với tình hình, quy hoạch.
Nghề nuôi "du canh"
Thị xã Quảng Yên là một trong những địa phương phát triển nghề nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trong nhiều năm qua. Trên địa bàn thị xã có khoảng 800 ha diện tích mặt biển có khả năng nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu tại xã Hoàng Tân và Liên Hòa. Khác với các vùng nuôi ở Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, đối tượng nuôi của những hộ dân ở Quảng Yên chủ yếu là hàu cửa sông. Hàu đại dương thích nghi với độ mặn cao nhưng có vị chát còn hàu cửa sông của Quảng Yên phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân, cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên loại hàu cửa sông lại không thích hợp với những vùng nước có độ mặn cao. Do vậy, phương thức nuôi trồng của người dân ở đây cũng khác. Thông thường hàu đại dương của các địa phương trong tỉnh đều được thả nuôi cố định thì ở Quảng Yên phải nuôi theo hình thức "du canh". Vào mùa khô, độ mặn nước biển cao thì người dân phải đưa hàu vào các cửa sông có độ mặn phù hợp để dưỡng. Còn vào mùa mưa, nước mưa trên nguồn đổ xuống cửa sông nhiều thì người nuôi phải đưa hàu ra những vùng biển phía ngoài tránh hàu bị chết.
Chính vì phương thức nuôi "du canh" như vậy nên người dân Quảng Yên phải đóng thành những bè tre để tiện cho việc di chuyển theo mùa. Mỗi bè nhỏ diện tích khoảng 80m2 được kết chuỗi 20 bè nhỏ thành một bè lớn diện tích khoảng 1.600m2.
Theo thống kê, trên địa bàn Quảng Yên hiện có 809 bè tre đang nuôi (diện tích 1.600 m2/cái). Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Quảng Yên sẽ phải thay thế 164.000 quả phao xốp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai của Quảng Yên gặp nhiều khó khăn.
Chúng tôi gặp anh Đặng Văn Minh (ở thôn 5, xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên) tại khu vực tập kết, tháo dỡ bè nuôi không đạt chuẩn tại xã Hoàng Tân khi anh vừa di chuyển bè nuôi của anh về khu vực cửa sông. Anh Minh đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề nuôi hàu cửa sông. Anh chia sẻ, gia đình anh nuôi 10 cặp bè hàu, hà cửa sông. Gia đình anh vừa phải chi 80 triệu đồng để kéo bè vào cửa sông. Năm nay giá hàu giảm, tiêu thụ chậm nên gia đình rất khó khăn. Để chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE hợp chuẩn, anh Minh tính toán với 10 cặp bè hiện tại, anh sẽ phải chi phí khoảng hơn 700 triệu đồng để mua phao nổi hợp quy.
Trong quá trình chuyển đổi vật liệu làm bè nuôi của người dân Quảng Yên không chỉ gặp khó khăn về kinh phí mà còn gặp khó khăn về thời gian di chuyển phụ thuộc vào điều kiện thủy triều. Do nuôi bằng bè tre nên khi chuyển đổi, thay thế phao xốp không thể tháo dỡ, thay thế ngoài biển mà phải kéo vào khu vực gần bờ. Thế nhưng, việc di chuyển những bè nuôi cồng kềnh hàng ngàn mét vuông như vậy rất mất thời gian và phụ thuộc lớn vào điều kiện thủy triều, không thể lai dắt hay kéo bè vào buổi tối. Theo người dân cho biết, để di chuyển một bè nuôi như vậy phải có 2 tàu lai dắt kèm 2 bên và di chuyển với tốc độ rất thấp. Thông thường thời gian cho mỗi lần di chuyển cũng mất 5-7 tiếng. Cũng chính vì vậy nên tiến độ xử lý, thay thế phao xốp của các hộ dân bị chậm rất nhiều so với các địa phương khác.
Gắn quy hoạch với chuyển đổi đối tượng nuôi
Đưa chúng tôi đi thực tế việc di chuyển bè trên sông Chanh, Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn, Phó trưởng Công an TX Quảng Yên cho biết: Để đảm bảo an toàn cho việc di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân đến đúng địa điểm được quy hoạch, lực lượng CSGT đường thủy của thị xã thường xuyên túc trực, hướng dẫn, giám sát kịp thời hỗ trợ nhân dân.
Tại khu vực cửa sông Chanh, chúng tôi đều bắt gặp cảnh người dân đang hối hả chuẩn bị cho di chuyển bè về nơi quy định, đảm bảo an toàn giao thông. Tất cả bè nuôi của các họ dân đều có biển tên của chủ bè, số liên lạc, không có tình trạng tháo dỡ bè trên sông để phao xốp trôi nổi.
Được biết, thị xã Quảng Yên đã bố trí 9 điểm để toàn bộ bè tre, phao xốp được kéo về bến, tháo dỡ, sắp xếp trên bến, chờ đưa đi tiêu hủy. Việc thu gom, đưa về tháo dỡ tại bến đảm bảo không phát sinh rác thải, phao xốp ra môi trường biển. Quá trình các xã, phường thực hiện luôn có sự giám sát của tổ công tác thị xã.
Đến nay, thị xã đã cơ bản di chuyển các lồng bè đang neo đậu trong các dòng sông về khu vực biển đang lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi. Thị xã cũng đã thu gom toàn bộ lồng bè, phao xốp hỏng, vô chủ trên biển; thực hiện cắm biển, đánh số toàn bộ lồng, bè trên địa bàn (tên, số hiệu) để phục vụ công quản lý. Bên cạnh đó, thị xã còn thành lập 2 tổ công tác tăng cường ngăn chặn việc kéo bè từ địa bàn nuôi khác đến.
Hiện nay, việc thay thế phao nhựa HDPE đạt chuẩn hiện nay tại thị xã Quảng Yên còn đạt tỷ lệ thấp. Một phần do những nguyên nhân khách quan kể trên, phần nữa do chưa có đơn vị cung ứng được sản phẩm đạt chuẩn và phù hợp với hiện trạng nuôi trồng trên địa bàn. Ghi nhận thực tế, một bè lớn ở Quảng Yên có khoảng 60-80 bè nhỏ, trọng lượng khoảng 40-50 tấn, cần thay thế bằng phao nhựa cỡ lớn, những phao nhựa loại nhỏ sẽ không chịu được lực, đưa vào sử dụng không đảm bảo, dễ gây lãng phí, tốn kém. Hiện, địa phương này đang vận động ngư dân nuôi bè nhỏ thì sử dụng phao nhựa loại nhỏ, còn đối với các bè lớn thì cần phải đợi có sản phẩm thay thế phù hợp được công bố hợp chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch thị xã Quảng Yên cho biết, để đảm bảo nghề nuôi bền vững, trong thời gian tới, cùng với việc thay thế vật liệu làm lồng bè đạt chuẩn hợp quy thì Quảng Yên đang tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi biển đã được tích hợp trong quy hoạch tỉnh. Thị xã cũng khuyến cáo người dân những đối tượng nuôi phù hợp để tránh tình trạng kéo bè vào các sông trong mùa khô.