Ngày 13/4, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 2359/UBND-TM3 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về hỗ trợ khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Hỗ trợ đối tượng khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Dantri.
Cụ thể, đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 245 phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:
- Có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;
- Là thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn nghèo của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 202/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh, được UBND các địa phương công nhận vào cuối năm 2019 hoặc Quyết định bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo tính đến tháng 03/2020 (hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020);
- Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên bao gồm: Lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đang tham gia lao động, sản xuất tạo thu nhập cho hộ gia đình, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chưa tìm được việc làm mới.
- Trong danh sách hỗ trợ được UBND cấp huyện phê duyệt.
Đối tượng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 245 phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:
- Làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà nguồn tài chính của đơn vị không còn đủ khả năng để chi trả.
- Có giao kết hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước thời gian nghỉ việc không hưởng lương.
- Trong danh sách hỗ trợ được UBND tỉnh Quyết định hỗ trợ (đối với đối tượng trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh), UBND cấp huyện (đối với đối tượng trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp huyện) quyết định.
Theo văn bản của tỉnh Quảng Ninh, đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và chính sách theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 245 thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.
- Trường hợp người lao động thuộc cả hai đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 245 thì chỉ được hưởng một chế độ do đơn vị sự nghiệp sử dụng người lao động đó xem xét đề nghị hỗ trợ, đồng thời đơn vị sự nghiệp có trách nhiệm thông báo tới UBND cấp xã nơi người lao động có hộ khẩu thường trú để biết tránh hỗ trợ trùng lắp;
Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/người/tháng.
Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho viên chức, người lao động.
Thời gian hỗ trợ tính theo thời gian thực tế mà viên chức, người lao động bị mất việc nhưng tối đa không quá 03 tháng, kể từ tháng 4 năm 2020.
Số ngày làm việc phải nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tính hỗ trợ: Là số ngày nghỉ việc liên tục 24 ngày tính bằng 1 tháng; số ngày lẻ dưới 12 ngày tính hỗ trợ bằng ½ tháng; từ 12 ngày trở lên tính hỗ trợ bằng 1 tháng.
Trình tự và thời gian thực hiện
Người lao động quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết 245:
(1) Người lao động lập hồ sơ theo quy định gửi đến trưởng thôn/bản/khu phố (sau đây gọi tắt là Trưởng thôn).
(2) Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị; căn cứ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được phê duyệt; Trưởng thôn xác nhận vào giấy đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn của người lao động, lập danh sách (theo Mẫu số 02) và có văn bản, kèm theo hồ sơ của những người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gửi Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội cấp xã.
(3) Định kì 5 ngày làm việc, Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội cấp xã tổ chức thẩm định, xét duyệt những người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trình Chủ tịch UBND cấp xã (kèm Biên bản của Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội cấp xã theo Mẫu số 03); đồng thời thực hiện niêm yết công khai theo quy định (lập Biên bản bắt đầu và kết thúc niêm yết sau tối thiểu 15 ngày) danh sách đề nghị UBND cấp huyện hỗ trợ tại Trụ sở UBND cấp xã, Nhà văn hóa khu phố/thôn bản... để nhân dân giám sát theo dõi.
(4) Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Biên bản của Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản (kèm theo hồ sơ của đối tượng) gửi UBND cấp huyện (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội).
(5) Định kì 5 ngày làm việc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với phòng ban liên quan tổ chức thẩm định, xét duyệt và trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ cho đối tượng. Trường hợp đối tượng không đủ điều kiện hưởng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(6) Căn cứ Quyết định hỗ trợ của UBND cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận kinh phí từ ngân sách cấp huyện và tổ chức chi trả hỗ trợ cho đối tượng cho phù hợp với thực tế của địa phương.
Đối tượng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết 245:
(1) Trên cơ sở Đơn đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn của người lao động và hồ sơ kèm theo, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp rà soát và lập danh sách những viên chức, người lao động (theo Mẫu 05) đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ, có văn bản (kèm theo hồ sơ của đối tượng) gửi Cơ quan chủ quản của đơn vị (nếu có) hoặc gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trường hợp đơn vị sự nghiệp không có sở, ngành chủ quản) hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% thuộc cấp huyện).
(2) Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của đơn vị sự nghiệp:
- Đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% thuộc cấp tỉnh: Cơ quan chủ quản cấp trên thực hiện tổ chức thẩm định xét duyệt và có văn bản (kèm theo danh sách và hồ sơ của đối tượng) gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tài chính để thẩm định, trình UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ; đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp không có sở, ngành chủ quản, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tổ chức thẩm định;
- Đối với đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% thuộc cấp huyện: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với phòng ban liên quan tổ chức thẩm định, trình UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ.
(3) Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định danh sách hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Ninh (đối với đối tượng thuộc đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% thuộc cấp tỉnh), của UBND cấp huyện (đối với đối tượng thuộc đơn vị sự nghiệp tự chủ 100% thuộc cấp huyện), Cơ quan tài chính trình UBND cùng cấp quyết định bổ sung kinh phí cho đơn vị (hoặc qua Sở, ngành chủ quản) để chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng.