"Chúng tôi phải đu dây xuống vực để tìm kiếm và không thể tin nổi nạn nhân sống sót một cách kỳ diệu bởi đã rơi xuống đó thì hầu như không có cơ hội", một thành viên tham gia giải cứu chia sẻ.
Đu dây xuống giải cứu, mở đường đưa nạn nhân lên
Ông Nguyễn Văn Thuận - nhân viên Phòng Quản lý bảo vệ di tích, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử - là người trực tiếp tham gia giải cứu người phụ nữ dưới vực Yên Tử.
Theo chia sẻ của ông Thuận, sáng 3/5, ông cùng anh em trong tổ công tác đi tuần tra, kiểm soát tại trên địa bàn như thường ngày. Khi đến khu vực chùa Đồng bỗng nghe có tiếng "cứu tôi với".
Lúc này, do trời lặng gió nên anh em khác trong tổ cũng nghe văng vẳng có tiếng kêu cứu. Ngay lập tức, ông Thuận triệu tập mọi người cùng nhau tỏa ra nhiều hướng để xác định tiếng kêu cứu xuất phát từ chỗ nào. Khi đi đến khu vực phía Tây Nam chùa Đồng thì phát hiện tiếng người phụ nữ kêu cứu dưới vực sâu tại đây.
Ông Thuận cho biết, khi xuống đến nơi, anh em phát hiện nạn nhân là một người phụ nữ tại một phiến đá ở khu vực có độ sâu khoảng 40 m. Sau khi kiếm tra, xác nhận người phụ nữ không có chấn thương nặng, chỉ bị xây xát ngoài da do quá trình rơi xuống đu bám vào cây để níu giữ thì cả nhóm mới tiến hành đưa nạn nhân lên phía trên.
"Công tác cứu nạn gặp khó khăn do khu vực này quá sâu, không thể đưa nạn nhân lên bằng dây được. Sau khi bàn bạc thống nhất, anh em quyết định phát cây, mở đường thay nhau cõng nạn nhân lên phía trên", ông Thuận chia sẻ.
Cũng theo ông Thuận, sau khi lên được phía trên bờ vực, mọi người để nạn nhân ngồi nghỉ lấy lại tinh thần, hỗ trợ nước uống, sữa rồi sau đó mới dìu vào trong chùa Đồng nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng. Khi tỉnh táo, nạn nhân cho biết tên là Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Mỹ Đình, TP Hà Nội) và kể lại sự việc.
Khi tình hình nạn nhân đã ổn và có thêm lực lượng hỗ trợ thì tổ công tác thay phiên nhau cõng nạn nhân xuống ga cáp treo.
"Với chúng tôi, đây thực sự là kỳ tích vì những người rơi xuống đó thì hầu như cơ hội sống sót là không có, trong khi nạn nhân là phụ nữ, ở dưới vực sâu 7 ngày với điều kiện thời tiết mưa, rét, đói khát và hoảng sợ", ông Thuận nói.
Một thành viên trong nhóm cứu hộ cho biết thêm, toàn bộ khu vực này có độ sâu 70 m, nơi bà Liên rơi xuống có độ sâu 40 m.
Trước đó đã có lần anh em trong ban quản lý phải xuống cứu hộ người lên tại khu vực này. Cụ thể, vài năm trước từng có một thanh niên tên là Quỳnh (ở Hà Nội) bị rơi xuống vực nhưng may mắn vướng vào cành cây nên bị treo lơ lửng không rơi tiếp xuống sâu hơn. Lực lượng cứu hộ sau đó vài giờ đã giải cứu được nạn nhân, tuy nhiên người này bị thương khá nặng.
Gia đình từng trình báo chính quyền địa phương
Theo một cán bộ Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử - người trực tiếp đưa bà Liên trở về Hà Nội vào chiều 3/5, gia đình bà Liên cũng đã trình báo chính quyền địa phương về việc bà Liên đi nhiều ngày không về nhà và cũng không rõ đi đâu.
Cũng theo vị cán bộ này, chồng bà Liên vừa phẫu thuật dạ dày sức khỏe đang rất yếu, khi bà Liên trở về mọi người trong gia đình đều bật khóc mừng bà thoát nạn.
Lời kể của bà Liên, bà rời khỏi nhà đi Hạ Long, Quảng Ninh lấy thuốc thấp khớp, thấy Yên Tử nằm trong cung đường đi nên bà quyết định lên Yên Tử một mình. Thời điểm gặp nạn, túi đựng điện thoại của bà Liên rơi mất nên bà không thể liên lạc với gia đình.
Camera ghi hành trình bà Liên lên chùa Đồng
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, sau khi nghe nạn nhân kể lại toàn bộ sự việc bị rơi xuống vực vào chiều ngày 27/4, Ban đã tiến hành xác minh.
Cụ thể, qua kiểm tra camera tại các khu vực cho thấy, 12h39 ngày 27/4, bà Liên qua cổng Khai Tâm, thuộc Yên Tử. Tại đây, nhân viên bán vé cáp treo và vé vãn cảnh tích hợp cho bà Liên và bà Liên rời khỏi khu vực này để ra ga cáp treo.
Camera ở khu vực cáp treo cũng thể hiện bà Liên qua cửa và qua cabin để lên chùa Đồng.
Cũng theo ông Dũng, thời điểm được đưa lên phía trên, bà Liên còn giữ cuống vé xe điện, vé cáp treo và vé tham quan di tích. Tiến hành kiểm tra xác định, seri 3 loại vé trên được phát hành vào ngày 27/4.