Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục nhấn mạnh vai trò của 3 đột phá chiến lược mà Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững.
Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Với quan điểm đó, triển khai Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở kế thừa và phát triển, Sở GT-VT xác định công tác tham mưu trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm mang tính chiến lược. Từ đó, đã xây dựng nhiệm vụ cụ thể để từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Để có nền tảng triển khai các kế hoạch, gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà tỉnh đang triển khai lập, Sở đã thực hiện rà soát, tham mưu với tỉnh và bổ sung Quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, là một trong các thành phần quan trọng để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Quy hoạch phát triển GT-VT được xác định phải đồng bộ, hiện đại đảm bảo liên thông tổng thể, định hướng phát triển hệ thống giao thông phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý là cửa ngõ giao thương của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với các nước trong khu vực. Qua đó đảm bảo đồng bộ liên thông giữa các loại hình vận tải, nhất là kết nối hệ thống đường cao tốc, sân bay đến các khu vực cửa khẩu, cảng biển, KKT và KCN.
Sở GT-VT đã tham mưu bổ sung quy hoạch các dự án mang tính kết nối vùng, như: Đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 2, giai đoạn 3 kết nối với Vân Đồn; Quy hoạch xây dựng phát triển hạ tầng logistics; đồng thời đầu tư kết hợp hài hòa giữa các cảng thủy nội địa và các cảng biển để đảm bảo kết nối, đặc biệt là các địa bàn Quảng Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Móng Cái.
Mục tiêu đến năm 2030 đầu tư và đưa vào hoạt động các cảng biển: Vạn Ninh, Con Ong - Hòn Nét, Hải Hà, các cảng, bến khu vực Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc; mở rộng các khu vực neo đậu chuyển tải trong các vùng nước cảng biển. Đây là vấn đề đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu đầu tư.
Bên cạnh những định hướng, kế hoạch phát triển giai đoạn tới, để tạo nền tảng cho những dự án nối tiếp, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, Sở GT-VT đang tích cực tham mưu với tỉnh và các chủ đầu tư dự án nhiều giải pháp tích cực để đẩy nhanh thi công các dự án giao thông trọng điểm, chuyển tiếp từ nhiệm kỳ trước, như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường nối các KCN với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả...; tập trung nâng cao chất lượng công tác tư vấn lập mặt bằng tuyến. Điều này sẽ hạn chế các điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án, trên quan điểm sớm xác định sự cần thiết đầu tư và lựa chọn tư vấn một lần cho các bước.
Sở còn tham gia đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng các nhà thầu tư vấn, thi công chuyên nghiệp, phù hợp với quy mô, tính chất dự án, thông qua các giải pháp về đấu thầu; kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm chất lượng và chậm tiến độ thực hiện; tiếp tục đổi mới, thí điểm và vận dụng các mô hình, ý tưởng hỗ trợ cho sự phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông (hình thức PPP), đảm bảo hài hoà các phương tiện vận tải, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế.
Với sự vào cuộc tích cực, ngành GT-VT sẽ góp phần cùng tỉnh tạo ra những đột phá mới về phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác, nâng cao vị thế của tỉnh trong nước và khu vực.