Kinh tế

Quảng Ninh: Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nghề nuôi tôm bền vững

Ngọc Anh 20/10/2024 13:19

Người nông dân huyện miền núi Tiên Yên của tỉnh Quảng Ninh đang từng bước tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm phát triển nghề nuôi tôm bền vững và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Những năm qua, với việc triển khai hiệu quả mô hình “2 con, 1 cây” (gà, tôm và cây dược liệu), huyện Tiên Yên đã và đang tạo ra sự phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng canh tác tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao.

Năm 2023, diện tích nuôi tôm của huyện Tiên Yên đạt 1.118 ha; trong đó nuôi thâm canh (tôm thẻ chân trắng) đạt 243,7 ha, nuôi quảng canh (tôm sú) đạt 874,25 ha. Tổng sản lượng đạt 4.176 tấn tôm, trị giá khoảng 460 tỷ đồng.

Trong đó, con tôm được coi là phương thức làm giàu của nhiều nông dân ở Tiên Yên khi "nuôi 1 lãi 3". Thế nhưng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cách quản trị môi trường ao nuôi và dịch bệnh chưa được bài bản, khoa học đã khiến môi trường nuôi tôm chuyển từ thuận sang nghịch. Người nuôi tôm truyền thống ở Tiên Yên cơ bản là "trúng 1 vụ mà trượt 3 vụ thậm chí là trượt đến 5 vụ". Con tôm "ăn" vào sổ đỏ, khiến nhiều gia đình thất bát vì nuôi tôm.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cần phải nghiên cứu thay đổi phương thức nuôi sao cho hiệu quả hơn và để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

z5946273642268_df40611a513c5cf84f5a4f7a611b6d43.jpg
Hầu hết người nuôi tôm ở xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) đã chuyển đổi mô hình nuôi ao vuông sang nuôi ao tròn. Trong ảnh là một ao nuôi tôm thâm canh trên địa bàn xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên).

Hiện nay, toàn huyện Tiên Yên có gần 1.200 ha nuôi tôm, tập trung chủ yếu là xã Hải Lạng với hơn 800 ha và xã Đồng Rui với hơn 200 ha.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan các ao nuôi tôm trên địa bàn xã Đồng Rui, chị Nguyễn Thu Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, hầu hết người nuôi tôm của Đồng Rui đã chuyển đổi mô hình nuôi ao vuông sang nuôi ao tròn.

"Việc nuôi tôm bằng ao tròn lót bạt, áp máy oxy không chỉ tiết kiệm diện tích, nhân công và chi phí đầu tư hơn so với nuôi ao vuông mà còn hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nuôi tôm bằng ao tròn cũng dễ quản lý, chăm sóc hơn và con tôm đạt chất lượng, đồng đều hơn", chị Hằng chia sẻ.

Là một trong những hộ nuôi tôm điển hình của xã Hải Lạng, anh Lý Kim Bảo với hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi tôm, chia sẻ: Để nuôi tôm thành công, tôi luôn luôn phải học hỏi, nghiên cứu và thay đổi quy trình làm theo từng thời điểm chứ không thể áp dụng theo truyền thống mãi được.

Anh Bảo vừa quyết tâm chuyển đổi mô hình từ nuôi tôm ở trong hồ rộng 2.000m2 sang nuôi ở các hồ nhỏ với diện tích chỉ 500m2 có nhà mái, màng che độc lập. Đồng thời chuyển kỹ thuật nuôi 2 giai đoạn sang 3 giai đoạn.

"Với kỹ thuật nuôi tôm 3 giai đoạn trong diện tích hồ nhỏ hơn thì sẽ dễ dàng quản lý, vận hành mọi thứ dễ hơn. Sản lượng của các hồ nhỏ sẽ cao hơn, tỉ lệ xảy ra rủi ro sẽ thấp hơn nhiều", anh Bảo nói.

z5946286575847_c599cd0353b73765310cc099732b09f4.jpg
Nhân công làm việc ở khu nuôi tôm của hộ ông Bùi Công Hường (thôn Thượng, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) đang cho tôm ăn.

Để "tiếp sức" cho người nông dân, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao đã tuyên truyền, vận động và triển khai thành lập CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên.

Ngày 18/10 vừa qua, CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên đã chính thức ra mắt với 52 thành viên, đa số là chủ hộ nuôi tôm trên địa bàn.

Khi tham gia CLB, các thành viên sẽ được tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ và thực hiện nuôi tôm theo quy trình cân bằng sinh học, không sử dụng hóa chất, kháng sinh; chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm siêu thâm canh - tuần hoàn - cách ly dịch bệnh - triệt tiêu các nguyên nhân gây ra rủi ro từ sớm - từ xa - hướng tới mục tiêu nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu - GAA).

z5943803095104_41beceae45b4e0a36355b3ca5aa874ed.jpg
Ngày 18/10, CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên đã chính thức ra mắt với 52 thành viên, đa số là chủ hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện.

"Mục tiêu của chúng tôi là từng bước hình thành cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm, gắn mục tiêu phát triển nghề nuôi tôm với mục tiêu bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bền vững; giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường", ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao, Phó Chủ nhiệm CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên chia sẻ.

"Chúng tôi xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp then chốt để thúc đẩy phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững, trong đó có con tôm. Bên cạnh đó, những người nuôi cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề về kỹ thuật, thị trường,... để hạn chế rủi ro và cùng nhau phát triển, cùng nhau thành công. Vì vậy việc thành lập CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên có ý nghĩa hết sức quan trọng", ông Lý Văn Giểng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên nhấn mạnh.

Năm 2024, diện tích nuôi tôm của huyện Tiên Yên đạt 1.190,8ha; trong đó nuôi thâm canh (tôm thẻ chân trắng) đạt 230ha, nuôi quảng canh (tôm sú) đạt 960,8 ha. Tổng sản lượng cả năm 2024 ước đạt 4.500 tấn tôm, trị giá khoảng 490 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nghề nuôi tôm bền vững