Sức khỏe

Quảng Ninh: Xử phạt 150 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

Ngọc Anh 21/05/2024 16:44

Trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024", các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 150 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), phạt tổng số tiền 488,6 triệu đồng.

Phát biểu tại hội nghị thông tin báo chí thường kỳ chiều ngày 21/5, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh có 48.522 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024", tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 204 đoàn kiểm tra về ATTP. Từ ngày 15/4 đến 15/5, các đoàn kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở đã đồng loạt ra quân kiểm tra được 2.791 cơ sở và phát hiện 150 cơ sở vi phạm về ATTP. Các cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt 150 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 488,6 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu tiêu hủy sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng với tổng giá trị 521,56 triệu đồng...

z5378952476786_03c548a243c79e2e8cb5a5963841ea7a.jpg
Theo thống kê của Sở Y tế, từ ngày 15/4 đến 15/5, các đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm nghiệm 2.270 mẫu thực phẩm, phát hiện 46 mẫu không đạt (chiếm 2.03%). Ảnh chụp Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra các mẫu thực phẩm bày bán tại chợ truyền thống trên địa bàn TP Cẩm Phả vào chiều ngày 23/4.

Hiện, Quảng Ninh có 1,36 triệu dân và là một trong những địa phương hút khách du lịch bậc nhất cả nước với hơn 10 triệu lượt khách/năm. Vấn đề ATTP luôn được tỉnh chú trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và du khách. Nhiều năm qua, Quảng Ninh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người, không xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Qua đó, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh.

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận Quảng Ninh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong lĩnh vực ATTP. Bởi đây là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu, địa hình miền núi phức tạp, hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trong đó có thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát,... Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm nhập lậu đưa vào nội địa tiêu thụ gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình, không thực hiện được đầy đủ các quy định về ATTP. Một số bộ phận người dân vẫn mua, bán và sử dụng thực phẩm theo thói quen, thực phẩm không nguồn gốc, xuất xứ.

Cán bộ làm công tác ATTP tại cấp xã không ổn định, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý ATTP còn hạn chế.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sơ sản xuất, kinh doanh thực phẩm... Đồng thời, đăng tải công khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh của nhân dân, du khách về các hành vi vi phạm về ATTP trên các nền tảng truyền thông.

Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP sẽ bị xử phạt nghiệm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định...", Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh các biện pháp nhằm tiếp tục đảm bảo ATTP trong thời gian tới, nhất là khi mùa du lịch hè đang đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Ninh: Xử phạt 150 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm