Đợt mưa lũ trái mùa, lạ thường diễn ra từ 31/3 - 2/4/2022 khiến 10.480,94 ha lúa và 3.032,67 ha cây trồng các loại tại Quảng Trị bị ngập úng, đổ ngã. Theo nhận định ban đầu, hàng nghìn ha lúa và cây trồng các loại vụ đông xuân 2021-2022 sẽ bị mất trắng.
Ngày 6/4, trao đổi với Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Phước Trang, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị) cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng để thống kê diện tích cây trông bị ảnh hưởng, thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua và có hướng dẫn kỹ thuật ban đầu nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Cùng với đó, hôm qua (5/4) đoàn công tác Cục Trồng trọt do Cục trưởng Nguyễn Như Cường đã đến địa phương kiểm tra tình hình thiệt hại.
Đến nay, dù thời tiết đã thuận lợi hơn và chính quyền địa phương, người dân đã nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiêu nước, cứu lúa, tuy nhiên, đối với diện tích lúa bị ngập nước 24 giờ trở lên thì có khả năng mất trắng hoàn toàn.
Bước đầu xác định, diện tích lúa bị mất trắng là khoảng 8.000 ha và con số này với hoa màu các loại là hơn 3.000 ha. Ước tính riêng lĩnh vực trồng trọt của ngành nông nghiệp toàn tỉnh đợt này thiệt hại khoảng hơn 400 tỷ đồng.
Cũng theo ông Bùi Phước Trang, tính đến trước thời điểm mưa lụt vừa qua, lúa và hoa màu sản xuất tại địa phương trong vụ này đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, đợt mưa lũ trái mùa, bất thường vừa qua đã khiến tất cả trở tay không kịp.
Hiện tại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh một mặt tiếp tục theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật để có thể cứu vớt diện tích cây trồng bị ngập lụt trong thời gian ngắn. Một mặt có hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, xử lý cây trồng bị ngập nước và vệ sinh đồng ruộng.
Trước nguy cơ mất mùa vụ Đông Xuân 2021-2022 đang rất hiện hữu, ông Dương Viết Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho rằng, khả năng trong thời gian tới tại địa phương sẽ xảy ra tình trạng thiếu lương thực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết thêm, hiện tại, lượng lúa mà người dân tích trữ lại còn ít, chỉ để đủ ăn đến khi thu hoạch vụ Đông Xuân 2021-2022. Phía UBND huyện Hải Lăng đã giao Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT và các địa phương khảo sát, báo cáo tình hình cụ thể.
Trước đó, từ ngày 31/3 đến ngày 2/4/2022, do ảnh hưởng kết hợp của nhiều hình thế thời tiết nguy hiểm, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng toàn tỉnh, nhất là khu vực phía Nam tỉnh.
Tổng lượng mưa phổ biến 160 - 380 mm, có nơi trên 400 mm, như tại Hải Lâm (huyện Hải Lăng) là 471,6 mm; Tại Tà Long (huyện Đakrông) là 450,4 mm. Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường và có tính lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến ngày 4/4, mưa lũ gây ngập úng, đổ ngã trên 10.480,94 ha lúa (Hải Lăng: 6.370 ha; ĐaKrông: 20 ha; Triệu Phong: 2.339 ha; Vĩnh Linh: 1.050,7 ha; Gio Linh: 499,0 ha; Cam Lộ: 20 ha; thị xã Quảng Trị: 182,24 ha) và 3.032,67 ha cây trồng các loại: sắn, ngô, đậu, rau màu… (Hải Lăng: 1.542ha; Đakrông: 320 ha (lạc 255 ha, ngô 65 ha); Triệu Phong: 785,17 ha; Vĩnh Linh: 204,5 ha; Gio Linh: 31 ha; Cam Lộ: 30 ha; thị xã Quảng Trị: 132 ha).
Đợt mưa lũ trái mùa, bất thường vừa qua cũng đã khiến 222,89 ha nuôi trồng thủy sản và 47 lồng nuôi cá bị thiệt hại (Hải Lăng: 115 ha; Triệu Phong: 28 lồng và 21,89 ha; Gio Linh: 19 lồng và 22 ha; thị xã Quảng Trị: 64 ha); 13,8 ha rừng trồng bị thiệt hại và 1 chiếc thuyền nhỏ bị sóng cuốn trôi ra biển (xã Gio Hải, Gio Linh).