Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chiến khu Ba Lòng trên địa bàn 3 xã Hải Phúc, Ba Lòng, Triệu Nguyên (huyện Đakrông, Quảng Trị) không chỉ là căn cứ địa vững chắc của cách mạng mà còn là đầu não kháng chiến của khu vực Trị - Thiên và hệ thống chiến khu miền Trung. Di tích cấp quốc gia (được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng vào năm 1999) này đang trong tình trạng bị bỏ hoang.
Nhà bia khu di tích Chiến khu Ba Lòng hiện nay.
Thung lũng Ba Lòng dài 30km, rộng 2km; cách thị xã Quảng Trị 10 km về phía Tây, cách TP Đông Hà 45km về phía Tây Bắc. Trong kháng chiến 9 năm chống Pháp (1947 - 1954), Chiến khu Ba Lòng (CKBL) là nơi đứng chân của bộ đội, trung tâm lãnh đạo kháng chiến; nơi diễn ra các đại hội, hội nghị, cuộc họp có tính chất quyết định đến sự chuyển biến của công cuộc kháng chiến ở địa phương và khu vực (Ðại hội đại biểu tỉnh Ðảng bộ Quảng Trị lần 2 (11/1947), lần 3 (3/1949), lần 4 (4/1950), Hội nghị Phân khu ủy Bình Trị Thiên (4/1948), Hội nghị Dân quân du kích toàn tỉnh (cuối 1948), Ðại hội Phân khu Bình Trị Thiên (đầu năm 1949), Hội nghị Dân Quân Chính đảng 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên về xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị tổng phản công (đầu năm 1950 và giữa năm 1952), Hội nghị Cán bộ của Uỷ ban Hành chính kháng chiến (9/1950), Hội nghị Chỉnh huấn chỉnh quân (9-1953), Hội nghị Quán triệt về công tác tư tưởng theo tinh thần của BCH Trung ương Ðảng khóa II...). Ba Lòng cũng là nơi ra đời Phân Khu Bình Trị Thiên trực thuộc Liên khu IV (đầu năm 1948), Ban vận động văn nghệ Bình Trị Thiên (9/1948), Bộ chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên (đầu năm 1950)...
Tuy nhiên, những ngày này, đặt chân đến thung lũng Ba Lòng của vùng chiến khu xưa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự quạnh vắng đến nao lòng. Hình như, từ rất lâu rồi, không có người đặt chân đến nơi đây để viếng thăm, hương khói, hoài niệm về một thời hào hùng oanh liệt. Gần 10 năm sau khi được xếp hạng di tích quốc gia, năm 2007 chính quyền tỉnh Quảng Trị đầu tư kinh phí xây dựng ở đây một số hạng mục như tường rào, nhà bia tưởng niệm. Tháng 3/2016 (gần 10 năm sau khi tỉnh Quảng Trị bỏ kinh phí xây dựng khu tưởng niệm), tường rào bao quanh nhà bia đã đổ sập gần hết. Nhà bia “hương tàn khói lạnh”, bạc màu rêu phong và có nguy cơ không còn trụ vững trước nắng mưa. Trên khoảng sân lát gạch đã vỡ nát, mấy con bò thỉnh thoảng ngước lên nhìn, ngơ ngác.
Thấy chúng tôi loay hoay dưới mái ngói nhà bia, ông Hà Ngọc Linh (80 tuổi)- người thôn Mai Sơn, xã Ba Lòng thong thả bước đến chuyện trò. Trong 2 cuộc kháng chiến, ông Linh và những người dân Ba Lòng vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu.
Theo ông Phan Minh Lộc- Phó Chủ tịch UBND xã Ba Lòng, xã được bàn giao trông coi di tích CKBL từ năm 2008. Khí hậu vùng Tây Quảng Trị khắc nghiệt làm công trình xuống cấp nhanh. Không chỉ tường rào bị đổ gần hết mà cả mái nhà bia cũng mục nát. Thêm vài trận mưa nắng nữa thôi là tất cả chẳng còn gì. Cách TP Đông Hà và cách các khu di tích lịch sử chiến tranh nổi tiếng khác như Thành Cổ Quảng Trị, sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo không xa nhưng khu di tích CKBL đang là một nơi vắng vẻ, hoang lạnh.
Ngày 25/3, trao đổi với ông Lê Đắc Quỳ- Chủ tịch UBND huyện Đakrông, ông Quỳ thừa nhận thực tế hoang lạnh hiện nay ở di tích CKBL và cho biết địa phương không thể làm gì hơn ngoài việc gửi văn bản lên tỉnh xin đầu tư xây dựng. “Văn bản gửi cách đây 1 năm nhưng không thấy hồi âm nên huyện cũng không gửi nữa”- ông Quỳ nói. Mong mỏi của chính quyền, nhân dân huyện Đakrông - nhất là của 3 xã có di tích CKBL là nơi này được xây dựng đúng với tầm vóc lịch sử của nó, để người khắp nơi cùng tìm đến, hoài niệm về một thời oanh liệt và hương khói ấm lòng bao anh hùng, liệt sĩ đã nằm lại đất này như những di tích lịch sử chiến tranh khác.