Một cái ảnh được đăng lên trang cá nhân trên mạng internet, và người ta không khó để bắt gặp những dòng comment kiểu như: “ngon quá”, “ngọt nước quá”,… Đa số chúng ta (kể cả chủ nhân bức ảnh) khi đọc nó đều coi là trò đùa, hào hứng hùa theo, đưa đẩy câu chuyện tiến triển xa hơn. Ý thức về hành vi quấy rối tình dục trở lên mong manh giữa lằn ranh đùa cợt ấy!
Khen hay là quấy rối?
Không phải chỉ có đàn ông buông lời cợt nhả về những bức ảnh cơ thể phụ nữ trên mạng internet, mà ngày càng đông chị em sẵn sàng comment dưới bức hình một thiếu gia nhảy dưới mưa hay hình một diễn viên Hàn Quốc những câu kiểu như: “Nhìn mà muốn rụng trứng”….
Còn những lời bình phẩm về phụ nữ thì nhan nhản, nhẹ nhất là khen “ngon quá”, thêm chút là “nhìn mà chảy nước miếng”. Thậm chí ngay cả với các cầu thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, người ta cũng dành những lời khen đậm mùi “quấy rối” mà nghĩ (quan niệm) là mình đang khen. Ví dụ như trên mạng xã hội, hình ảnh của các nữ cầu thủ được đăng tải với nhiều bức ảnh bị cắt cúp nhắm vào phần ngực, kèm đủ lời sàm sỡ như: "Các bạn thích số mấy (số in trên ngực áo các nữ cầu thủ), 19 hay 5 hay 11 hay 4", "Tôi đủ sức cân tất cả các số", "Thích em số 4 nhưng chọn em 19"...
Còn một kiểu “khen” nữa, cũng không khó bắt gặp trên mạng xã hội, của những người đàn ông dưới những bức ảnh đàn ông: “Quỷ sứ hà, nhìn chỉ muốn cắn”. Có thể họ là người đồng tính thật cũng có khi chỉ là vào vai người đồng tính để cợt nhả như một trào lưu để mua vui trên mạng xã hội.
Điều đáng nói là lâu dần chúng ta thản nhiên trước những bình luận, bình phẩm ấy. Không ai trong chúng ta tỏ thái độ khó chịu hay bày tỏ thái độ khó chịu một cách công khai trên mạng xã hội. Thậm chí không ít lần chúng ta hùa theo, đưa đẩy câu chuyện. Nếu chịu khó “lội” vào comment dưới những bức ảnh đàn ông, phụ nữ hơi sexy trên mạng xã hội, sẽ gặp những lời bình phẩm của ngay cả những người nổi tiếng, những người có trình độ cao, những trí thức, nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ…
Nếu ai đó tỏ ra khó chịu trước những bình phẩm ấy thì sẽ bị mọi người cho rằng chỉ là đùa cho vui, thấy đẹp thì khen có gì phải căng thẳng, hoặc bình luận là quyền cá nhân, không thích thì thôi sao phải nâng cao quan điểm…
Vậy đây thực sự là hành vi quấy rối tình dục bằng ngôn từ hay là những “quan điểm cá nhân mà ai không thích có thể bỏ qua”?
Quấy rối tình dục không phải chỉ là đụng chạm vào cơ thể
Khái niệm Quấy rối tình dục đã được luật hóa trong Bộ Luật Lao động năm 2019. Theo khoản 2, điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP Quy định Chi tiết và Hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng chỉ ra các dạng thực của quấy rối tình dục bao gồm: Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Như vậy có thể thấy hành vi “quấy rối tình dục bằng lời nói bao gồm cả lời nói qua các phương tiện điện tử cũng đã được quy định chi tiết trong nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Theo bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD), bất kể hành vi nào có tính chất tính dục mà không được người nhận tiếp nhận đều được coi là quấy rối tình dục. Như vậy, những lời khen mang hàm ý hoặc nhắm vào các bộ phận nhạy cảm là có tính chất tình dục. Ranh giới tuy mong manh nhưng rõ ràng nhất để phân biệt sẽ nằm ở sự tiếp nhận của người được khen.
Một lời khen có thể trở thành sự quấy rối nếu người nhận cảm thấy không thoải mái hoặc khó chịu trong quá trình nhận lời khen đó. Đặc biệt, khi người nhận đã bày tỏ thái độ không thích/không thoải mái mà vẫn tiếp tục lặp lại thì sẽ càng củng cố hành vi quấy rối rõ rệt hơn.
Như vậy, ở đây có thể thấy, nếu chúng ta tiếp tục coi đó là trò đùa để hùa vào cợt nhả thì hành vi quấy rối tình dục đột lốt lời khen trên mạng xã hội sẽ càng nảy nở. Rất nhiều người cảm thấy không thích, cảm thấy bị xúc phạm, cảm thấy đó là những trò đùa quá đà, nhưng đành im lặng không dám bày tỏ trên mạng xã hội vì sợ đám đông “ném đá”, họ sẽ chỉ trích là làm quá, chỉ đùa thôi có sao. Và chúng ta luôn nghĩ rằng không đụng chạm vào cơ thể thì không sao, chỉ nói đùa thì có “chết ai đâu”.
Cần một thái độ tiếp nhận đúng đắn để nếu khen thì phải văn minh
Theo khảo sát của Microsoft về chỉ số văn minh trên mạng năm 2020, Việt Nam đứng thứ 5 trên tổng số 25 quốc gia có hành xử không văn minh trên môi trường Internet. Các rủi ro phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam được chỉ ra trong khảo sát gồm: Liên lạc không mong muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm gợi dục (29%). Cũng theo khảo sát này, 70% người được khảo sát cho biết họ đã gặp phải một trong 21 hành xử không đúng mực trong một tháng gần đây. 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.
Có thể thấy, những ngôn từ, bình luận hay những hành vi được thực hiện trên không gian “ảo” là mạng xã hội nhưng hoàn toàn có thể để lại những tổn thương thực tế cho người dùng, thậm chí là những tổn hại về tinh thần và thể chất vô cùng nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu “Quấy rối tình dục trong thanh thiếu niên ở trường học” do ISDS, TFCF và Actionaid thực hiện, 60 % thanh thiếu niên đã ít nhất một lần bị quấy rối tình dục và 50% thanh thiếu niên bị tổn thất về sức khỏe tinh thần sau khi bị QRTD. Theo Nghiên cứu Trải nghiệm quấy rối tình dục của nữ sinh các trường Đại học tại thành phố Đà Nẵng của thạc sỹ Lê Thị Lâm, 73,3% trải nghiệm việc bị bình phẩm nhạy cảm về cơ thể, 73,6% trải nghiệm quấy rối tình dục qua tin nhắn, email.
Những cách diễn đạt mang ngụ ý tình dục, truyện cười gợi ý về tình dục hay việc nhận xét, bình phẩm nhắm vào cơ thể của một người nào đó là “ngon”, vật hóa cơ thể họ... xuất hiện không hề ít trên các trang mạng xã hội. Và những hành vi quấy rối tình dục bằng ngôn từ này đôi khi vẫn được khoác cho “lớp áo” của đùa vui hay khen ngợi. Có người dùng lập luận này để biện minh cho hành động của mình, cũng có người vì thiếu hiểu biết một cách đầy đủ nên thực sự thấy “oan uổng” khi bị kết luận là quấy rối dù khen với ý đồ tích cực.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), để có thể thực sự khen một cách văn minh, để bản thân không vô tình bước qua ranh giới mong manh của khen và quấy rối tình dục hay không ai có cơ hội biện minh cho hành vi quấy rối của mình bằng lập luận “khen” hay “yêu cái đẹp”, hiểu đúng và đủ về quấy rối tình dục là vô cùng quan trọng.
Mối quan hệ giữa các chủ thể trong cuộc trò chuyện, không gian, bối cảnh trò chuyện và sự đồng tình, thái độ của người tiếp nhận những bình luận ấy luôn cần được cân nhắc, xem xét và tôn trọng để đảm bảo mọi bình luận, dù là khen cũng sẽ được truyền đi một cách lịch sự và văn minh.
Quan trọng hơn cả là thái độ tiếp nhận của mọi người, nếu chúng ta tiếp tục coi đó chỉ là trò đùa mà không bày tỏ ý kiến trước những lời cợt nhả thì quấy rối tình dục đột lốt những lời khen sẽ còn tiếp tục tồn tại và ngày càng quá đà.