Trong những ngày tháng gian nan kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” Lịch sử đất nước là lịch sử với những trang vàng viết bằng máu của một dân tộc không biết bao lần phải đứng lên giành lại độc lập cho đất nước, tự do cho giống nòi. Ý thức độc lập và chủ quyền đất nước là truyền thống vĩ đại của dân tộc, từ đó gắn kết người Việt Nam mỗi khi Tổ quốc lâm nguy. Trong hành trình gian nan dựng nước và giữ nước, biết b
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.
1. Bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt chính là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của đất nước, với những câu chói lòa như thanh gươm vệ quốc:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
Đó là ý thức độc lập dân tộc vô cùng mạnh mẽ, đồng thời khẳng định quyền- chủ quyền của đất nước. Đó cũng là tuyên bố hùng hồn về quyết tâm và sức mạnh vô địch của một dân tộc khi quyết đem máu xương ra giữ nước. Chúng ta không xâm phạm đất đai bờ cõi của ai, nhưng nếu bất cứ thế lực nào dù cho có mạnh mẽ, hung bạo đến đâu có ý định thôn tính đất này thì cũng đều sẽ bị đánh tơi bời, không còn mảnh giáp.
Hôm nay, đọc lại “Nam quốc sơn hà” của tiền nhân, lại như hiện lên trước mắt hình ảnh con sông Như Nguyệt đẹp tuyệt vời dưới trăng thanh, nhưng cũng lại giận dữ gầm réo vùi lấp quân thù.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thuở trước, thật lẫm liệt hình ảnh những con người vô danh đã liên tục chặn đánh quân thù. Họ đã làm nên một thời đại rực rỡ trong dòng chảy giữ nước của dân tộc. Trong bối cảnh ấy, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn viết: “...Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau. Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Lời hịch xoang xoảng như tiếng gươm khua, đốt lửa trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước. Vạch tội ác quân xâm lược, thể hiện ý chí hy sinh vì nước, tâm nguyện của vị thống lĩnh quân đội lúc bấy giờ cũng là tâm nguyện của đồng bào mình, binh sỹ mình- những người nông dân yêu đồng ruộng, yêu hòa bình nhưng cũng sẵn sàng chết cho sự trường tồn của đất nước, của dân tộc. Sức mạnh to lớn của bản Hịch tướng sĩ vì thế được người đời sau coi như bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai của dân tộc.
2. Truyền thống quên thân mình giữ nước luôn chảy trong huyết quản người Việt Nam.
Những ngày này, chúng ta càng biết mấy tự hào về cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, về ngày 2-9-1945 khi Bác Hồ kính yêu đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thế giới về sự ra đời của một nước Việt Nam mới- nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, chấm dứt sự nô dịch của chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa thực dân.
Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra cả một thời đại cho dân tộc- thời đại xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu.
Trong lúc thù trong giặc ngoài, người dân cùng cực vì bị phong kiến, thực dân bóc lột, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “...Chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
(...) Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cũng chính vì nền độc lập tự do đó mà người Việt Nam đã hết thế hệ này ngã xuống thì thế hệ sau đứng lên, quyết không chịu sống quỳ. Chúng ta tự hào về Thời đại Hồ Chí Minh- thời đại chúng ta đang sống khi đã tiếp nối trọn vẹn truyền thống dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Cũng chính từ truyền thống yêu nước từ trong huyết quản, từ ngọn gió mát lành của cách mạng mùa thu Tháng Tám, của Tuyên ngôn Độc lập mà dân tộc ta suốt 70 năm qua đã làm nên những kỳ tích to lớn. Hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ; chiến tranh vệ quốc biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; những con người kết vòng hoa biển giữ đảo..., đất nước gian nan nhưng hết sức quật cường.
Khí phách của người Việt Nam bộc lộ ở những lúc gian nan, những khúc quanh của lịch sử. Tinh thần yêu nước và kết đoàn đã đưa mọi người đến với nhau trong ý nghĩa đồng bào.
3. Những ai đã ra đảo Lý Sơn hẳn đã nghe câu chuyện người thổi ốc u, những ngôi mộ gió và những dân binh vượt trùng khơi giữ đảo.
Hòn đảo chơi vơi giữa trời nước mênh mông sao mà thiêng liêng đến thế!
Ngày đó, khi tiếng ốc u nổi lên là báo hiệu thêm một chuyến ra khơi giữ đảo. Lúc ấy, chúng ta chỉ có những chiếc thuyền đơn sơ nhưng vẫn vượt trùng khơi. Hoàng Sa tuy xa xôi, lòng biển đầy bão tố không ngăn được tấm lòng yêu nước của những người dân binh vì nghĩa lớn mà quên thân mình. Trong những chuyến hải trình gian nan đó, nhiều người ra đi không trở lại, thân xác đã tan vào lòng biển khơi. Nhân dân, đất nước không bao giờ quên công lao của những con người vô danh ấy. Những ngôi mộ gió ven biển vẫn là chốn để linh hồn người đã khuất nương náu, trở về với người thân, với đất Mẹ. Những ngôi mộ gió ở đảo Lý Sơn quanh năm nghe sóng vỗ, đó chính là lời ru đất nước cho những người đã hy sinh thân mình vì sự trường tồn của dân tộc.
Hôm nay Lý Sơn đã khác nhiều. Điện đã sáng trên đảo. Người dân yên tâm vươn khơi bám biển. Hàng năm, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vẫn được tổ chức, gợi nhớ và nhắc nhở công lao to lớn của thế hệ cha ông.
...Những ai từng đến Nghĩa trang Trường Sơn, đứng trước điệp trùng những ngôi mộ liệt sĩ có tên và không tên, mới thấy cái giá của độc lập như thế nào. Đó là sự hy sinh của biết bao con người đầu xanh tuổi trẻ đã ngã xuống trong cuộc trường chinh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với quyết tâm sắt đá kiên quyết giành cho được nền độc lập. Bên cạnh những ngôi mộ liệt sĩ im lìm, trái tim người còn sống như nhỏ lệ. Nhỏ lệ vì yêu đất nước, nhỏ lệ vì nền độc lập.
“Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp lửa trong trái tim mỗi một người Việt Nam. Cái giá của độc lập dân tộc không thể đo đếm, không gì so sánh được.
Nay, thế và lực của đất nước đã khác. Đất nước đã hùng cường, tuy rằng vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với truyền thống yêu nước nồng nàn, khắc sâu lời dạy của tổ tiên, của Bác Hồ, mọi khó khăn đều sẽ vượt qua.
Ngày Quốc khánh đã đến, nhớ lại những bản Tuyên ngôn Độc lập của đất nước, càng thêm tự hào, thêm yêu đất nước mình. Nơi đó, tinh thần độc lập và chủ quyền là một mạch nguồn truyền thống ngời sáng.