Những năm qua, nhờ sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng chức năng, diện tích trồng mới và tái trồng cây thuốc phiện trên phạm vi cả nước giảm nhanh. Tuy nhiên, do đa phần cây thuốc phiện được trồng ở những nơi hẻo lánh, hiểm trở khó phát hiện; bên cạnh đời sống của bà con một số nơi còn khó khăn dễ bị tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo… Chính vì vậy việc phá bỏ cây thuốc phiện tại những vùng núi cao vẫn còn nan giải.
Lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu cùng với người dân triệt phá cây thuốc phiện.
“Biên giới không cây thuốc phiện”
Niên vụ 2016 – 2017, tỉnh biên giới Lai Châu tổ chức phá nhổ trên 52.000 m2 cây thuốc phiện, trồng ở 52 đám nương huyện Mường Tè. Kế hoạch ra quân triển khai các biện pháp phòng ngừa, phá nhổ cây thuốc phiện tại địa bàn xã Tà Tổng được Công an tỉnh Lai Châu triển khai từ ngày 7/10/2016 đến trung tuần tháng 4/2017. Sau 6 tháng thực hiện kế hoạch, các tổ công tác đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân và tổ chức cho các hộ dân trên địa bàn ký cam kết không tái trồng cây thuốc phiện.
Trước đó, với mục tiêu “Biên giới không cây thuốc phiện”, trong vòng 2 năm 2015 - 2016, các lực lượng chức năng đã phá nhổ trên 150.000 m2 cây thuốc phiện. Cụ thể, huyện Mường Tè đã thành lập 12 tổ công tác, với hơn 100 người, gồm công an, bộ đội và cơ quan chức năng về 12 bản của xã Tà Tổng. Các tổ công tác ở các bản đã tổ chức hơn 20 buổi họp dân, với trên 3.000 lượt người tham gia để tuyên truyền các nội dung “nhân dân xã Tà Tổng nói không với cây thuốc phiện”, “vùng cao không hoa thuốc phiện”...
Các tổ công tác đã phối hợp với chính quyền địa phương tìm vào những vùng sâu nhất, xa nhất trong rừng và phát hiện 180 đám nương, với diện tích trên 282.000 m2 đất đã phát dọn cây cỏ để chuẩn bị gieo trồng cây thuốc phiện. Cùng với biện pháp ngăn chặn, lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết không trồng cây thuốc phiện, với khẩu hiệu “xóa bỏ cây thuốc phiện, phủ xanh bằng cây lương thực” và đăng ký các khu vực sản xuất với chính quyền địa phương.
Có đi theo các đoàn công tác mới thấu hiểu hết nỗi vất vả và tinh thần trách nhiệm của các anh - những người chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng ngày đêm bám sát cơ cở. Để tuyên truyền, thuyết phục bà con, các tổ công tác bao gồm các cán bộ chiến sỹ công an, bộ đội và cơ quan chức năng huyện Mường Tè đã được thành lập và liên tục cắm chốt để cùng ăn, cùng ở và xuống tận địa bàn nhằm kịp thời phát hiện những điểm trồng thuốc phiện; thuyết phục bà con đi nương rẫy, nếu phát hiện ra những đám nương có dấu hiệu nghi vấn trồng cây thuốc phiện thì báo cáo ngay với chính quyền địa phương và tổ công tác.
Cùng với Lai Châu, vừa qua, thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, Công an huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã phát hiện 9 hộ dân gieo trồng cây thuốc phiện với tổng diện tích 101 m2, đã phá nhổ trên 10.000 cây thuốc phiện.
Cụ thể, vào ngày 20/1/2017, qua công tác quản lý địa bàn, phát hiện tại vườn của gia đình ông Nông Văn Minh (trú tại thôn Kha Hạ, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn) gieo trồng trái phép 1.000 cây thuốc phiện trên diện tích 30m2, cây cao tầm 30 cm, lực lượng chức năng đã ngay lập tức triệt phá và tổ chức tuyên truyền để bà con không lén lút tái trồng loại cây này.
Tại Lào Cai,Thượng tá Doãn Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) cũng cho biết, cuối năm 2016 vừa qua, đơn vị đã phát hiện và triệt phá một vườn trồng 400 m2 cây thuốc phiện trái phép tại khu vực thôn Ky Công Hồ, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát. Chủ vườn trồng cây thuốc phiện là ông Chảo Chin Nhàn (50 tuổi, dân tộc Dao). Để qua mặt cơ quan chức năng, ông Nhàn đã trồng loại cây này xen lẫn với rau cải. Ngay khi phát hiện, Công an huyện Bát Xát đã lập biên bản, tổ chức triệt phá toàn bộ diện tích trồng cây thuốc phiện tại đây.
Vẫn còn nhiều gian nan
Mặc dù các địa phương đã rất nỗ lực trong việc triệt phá cũng như tuyên truyền để bà con hiểu được hệ lụy của loại cây này mà không trồng cũng như tái trồng,tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, một số người dân vẫn nhắm mắt làm liều. Kết quả, giàu đâu không thấy chỉ thấy đói nghèo, nghiện ngập mà xã Tà Tổng (Lai Châu) là một điển hình.
Tà Tổng là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Lai Châu nhưng nhiều năm nay, lại là xã có diện tích tái trồng cây thuốc phiện lớn nhất của tỉnh. Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con trồng các loại cây như lúa, ngô, thảo quả nhưng nhiều người vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện. Nguyên nhân ngoài phong tục tập quán lạc hậu của người dân các địa bàn vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ người nghiện thuốc phiện lớn còn do tính chất siêu lợi nhuận của loại cây này nên người dân vẫn lén lút trồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tình hình tái trồng cây chứa chất ma túy tại các địa bàn trọng điểm về trồng và tái trồng cây thuốc phiện tiếp tục có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Diện tích trồng cây thuốc phiện thời gian qua thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh.
Đối tượng tái trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng. Nhận thức của cán bộ, người dân ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa về chủ trương của Nhà nước về xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy còn chưa đầy đủ, chưa thống nhất.
Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho chương trình xóa bỏ cây có chứa chất ma túy rất hạn hẹp. Ngành nông nghiệp ở địa phương không được bố trí kinh phí hoặc được bố trí ở mức rất thấp. Hầu hết địa phương không có kinh phí để kiểm tra, phát hiện và hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phát triển kinh tế.
Một nguyên nhân khác khiến cho tình hình tái trồng cây thuốc phiện tái diễn là do một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thói quen hút thuốc phiện hoặc sử dụng thuốc phiện để giảm đau và chữa một số bệnh thông thường…
Bởi vậy, ngoài việc kiểm tra, triệt phá toàn bộ diện tích trồng cây thuốc phiện, công tác tuyên truyền được làm thường xuyên, nhằm nâng cao ý thức người dân, đi kèm với đó, phải xây dựng được mô hình phát triển kinh tế thay thế cây thuốc phiện. Khi đã có nguồn sống đảm bảo, bà con sẽ không còn trồng cây thuốc phiện để làm hàng hóa nữa. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm những trường hợp cố tình tái phạm trồng cây thuốc phiện.
Tại tỉnh Điện Biên, từ huyện, đến xã đã thành lập Ban chỉ đạo, hầu hết các già làng, trưởng bản đều lấy cái lý, cái tình vận động bà con dần bỏ thói quen cũ và chuyển sang các loại cây mới vừa cho hiệu quả kinh tế cao lại vừa giúp bà con cai được nghiện.
Tại huyện Mường Ảng, cứ vào đầu tháng, huyện tổ chức họp giao ban về công tác phòng, chống tái trồng cây thuốc phiện ở các bản vùng cao. Nhờ có nhiều biện pháp quyết liệt trong vận động và xử lý nghiêm những hộ tái trồng cây thuốc phiện, hiện nay, ở xã Pú Hồng, huyện Mường Ảng, bà con ở 17/17 bản không tái trồng cây thuốc phiện nữa.
Trước đây, đến xã Bản Mù, Trạm Tấu (Yên Bái) dễ dàng bắt gặp cảnh nhà nhà trồng thuốc phiện, người người buôn ma túy, nghiện ngập đã khiến Bản Mù chìm trong tệ nạn và đói nghèo. Thế nhưng, cuộc sống ở Bản Mù hôm nay đã khác, sắc trắng, sắc đỏ của hoa thuốc phiện không còn bạt ngàn như trước nữa. Thay vào đó là những cánh đồng lúa, ngô xanh mướt hứa hẹn vụ mùa bội thu. Người Bản Mù đang khép lại một cuộc sống đói nghèo, tối tăm do lầm đường lạc lối để bắt đầu cuộc sống mới với những mô hình kinh tế mới đang mở ra. |