Quốc hội Anh thông qua dự luật về Brexit

Khánh Duy 15/03/2017 09:35

Quốc hội Anh cuối cùng cũng thông qua dự luật cho phép Thủ tướng Theresa May khởi động các vòng đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Dự luật này sẽ cần chữ ký của Nữ hoàng Anh để đi vào hiệu lực, dọn đường cho bà May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình từ bỏ tư cách thành viên EU.

Sau khi dự luật được thông qua hôm 14/3, Thủ tướng May có khả năng sẽ khởi động tiến trình Brexit ngay trong hôm sau đó, nhưng cũng có khả năng nó được trì hoãn tới cuối tháng này để tránh trùng với kỳ bầu cử sẽ diễn ra ở Hà Lan bắt đầu từ hôm 15/3.

Người dân Scotland đang tỏ ra bức xúc với quyết định mới của Quốc hội Anh. (Nguồn: NBC).

Scotland không đồng tình

Bộ trưởng Thứ nhất của Scotland, bà Nicola Sturgeon, đã ngay lập tức đưa ra phản ứng mạnh mẽ của mình trước sự việc này, nói rằng bà sẽ yêu cầu Quốc hội Scotland trong tuần tới trao cho bà quyền lực để kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) - một động thái mà Chính phủ Anh gọi là “gây chia rẽ”.

Viễn cảnh về một cuộc trưng cầu dân ý độc lập khỏi UK, có khả năng chấm dứt mối liên hệ tồn tại suốt 310 năm của Scotland với Anh, có thể gây ra tình trạng bất ổn sâu rộng khi mà bà May chính thức bắt đầu các vòng đàm phán về Brexit.

Việc dự luật Brexit được thông qua diễn ra sau một loạt các sự kiện ở Hạ viện Anh, trong đó có vệc bác bỏ các điều khoản thay đổi dự luật này để rồi sau đó gửi nó tới Thượng viện để tổ chức bỏ phiếu lần nữa. Thượng viện Anh đã bỏ phiếu không áp dụng những sửa đổi cho phép bảo vệ công dân EU ở nước Anh hậu Brexit.

Phát biểu tại Edinburgh, bà Sturgeon nói rằng rõ ràng là UK đang tìm kiếm một “thỏa thuận tồi tệ” về vấn đề Brexit. Bà cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May đã thất bại trong việc tuân thủ cam kết trước đó nhằm giúp cho Scotland vẫn được tiếp cận với thị trường đơn nhất của EU sau quá trình Brexit, và rằng Scotland đang hứng chịu rủi ro phải rời khỏi EU dù họ không hề muốn.

Trước đây, trong cuộc trưng cầu Brexit ở Anh, Scotland đã đi ngược lại xu hướng của UK khi có tới 62% cử tri tại đây ủng hộ ở lại EU. Bà Sturgeon nói rằng, giờ là lúc để người dân Scotland quyết định xem họ có muốn theo chân UK rời khỏi EU, hoặc tự đi theo con đường riêng của mình.

“Tôi đảm bảo rằng tương lai của Scotland sẽ được quyết định bởi người dân Scotland” - bà Sturgeon nói trước báo giới tại văn phòng của Bộ trưởng Thứ nhất - “Đó sẽ là lựa chọn của Scotland và tôi tin rằng người dân Scotland sẽ đưa ra quyết định đó”.

Chia rẽ

Bà Sturgeon cho hay bà mong muốn sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland rời khỏi UK trong khoảng thời gian từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, trước khi các vòng đàm phán về Brexit được hoàn thiện. Điều này sẽ cho phép bà đưa ra luận điểm rằng Scotland nên ở lại EU trong khi toàn bộ phần còn lại của UK rời khỏi.

Đương nhiên chính phủ UK cần phải đồng thuận về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý này. Phố Downing trong hôm 14/3 nói rằng tuyên bố của bà Sturgeon là “gây chia rẽ” và rằng Thủ tướng May sẽ tìm kiếm một thỏa thuận Brexit sao cho có lợi cho toàn bộ UK (bao gồm cả Scotland).

Tuy nhiên, tuyên bố từ chính phủ Anh không đề cập tới việc UK có ngăn chặn một cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland hay không. Gần đây nhất, trong năm 2014, Scotland từng tổ chức một cuộc trưng cầu tương tự, trong đó 55% cử tri mong muốn ở lại UK, chỉ có 45% bỏ phiếu để rời khỏi Liên hiệp này.

Xét về mặt chính trị, chính phủ UK khó có thể từ chối quyền được phép tổ chức thêm một cuộc trưng cầu dân ý khác của Scotland. Nhưng họ sẽ tìm cách tranh luận về thời điểm tổ chức nhằm tránh phải tham gia vào cuộc đấu đá liên quan tới quyền độc lập của Scotland trong khoảng thời gian đang đàm phán về Brexit với EU.

Sức ép với Thủ tướng Anh

Nữ Thủ tướng Anh Theresa May hiện đang chịu sức ép ngày càng tăng từ phía Quốc hội trong những tuần vừa qua, khi mà ngày khởi động các vòng đàm phán đang tới gần. Hôm cuối tuần trước, giới lập pháp nước này đã công bố một bản báo cáo, trong đó cảnh báo về một thất bại nếu như không có thỏa thuận nào đạt được với EU về vấn đề Brexit.

Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Anh cũng nói rằng Chính phủ UK nên chuẩn bị trước cho viễn cảnh thực tế rằng quá trình đàm phán kéo dài 2 năm có thể kết thúc trong đổ vỡ.

“Khả năng không có thỏa thuận nào đạt được giữa UK và EU là rất lớn, đủ để chính phủ cần phải có kế hoạch đương đầu với nó” - người đứng đầu ủy ban trên, Crispin Blunt, nói trong một báo cáo.

“Không có bằng chứng nào cho thấy Anh hoàn toàn đạt được một thỏa thuận xứng đáng. Chính phủ đã liên tiếp nhắc lại rằng họ sẽ tránh xa một thỏa thuận tồi tệ. Điều này khiến việc chuẩn bị cho viễn cảnh "không có thỏa thuận" càng quan trọng hơn” - ông Blunt nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội Anh thông qua dự luật về Brexit