Ngày 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Xem trực tiếp chất vấn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh VGP.
Giao thông vận tải như mạch máu của nền kinh tế
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thời gian qua Bộ Giao thông vận tải đã nhận được nhiều ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và làm tốt trách nhiệm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giao thông vận tải như mạch máu của nền kinh tế. Dù đã được quan tâm nhưng hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, việc phát triển giao thông vận tải cần phải có ngân sách.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ngân sách rất hạn chế, do đó mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng hệ thống giao thông vận tải Việt Nam còn rất nhiều bất cập.
“Với nguồn vốn được giao, chúng tôi cố gắng tham mưu Chính phủ để thực hiện những dự án trọng điểm nhất, tốt nhất, để sử dụng vốn có hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Về lĩnh vực an toàn giao thông, theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực mà cả xã hội rất quan tâm vì gắn liền với đời sống của người dân. Ông cho biết được sự chỉ đạo tập trung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông đang từng bước được kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn đang ở mức cao, số vụ số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn nhiều, đây là trách nhiệm lớn của ngành giao thông vận tải. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mong muốn các cơ quan chức năng và toàn hệ thống chính trị tiếp tục cùng vào cuộc, cố gắng đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn cho người dân.
Về công tác quản lý vận tải, Bộ đã bám sát Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư để điều hành. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xuất hiện mô hình xe mới đó là xe công nghệ, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ mà một số nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến xã hội dư luận quan tâm. Bộ trưởng cho biết, cố gắng trong trách nhiệm của mình sẽ bảo đảm hoạt động vận tải được tốt nhất.
Về thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang tập trung để hoàn thành đúng tiến độ hạ tầng mà Chính phủ đã giao.
“Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã cố gắng rất nhiều để đáp ứng yêu cầu về phát triển hạ tầng, quản lý vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, nhưng chúng tôi biết nhu cầu rất lớn mà khả năng có hạn. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì đây là cơ sở để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Tư lệnh ngành giao thông nói và cam kết sẽ cố gắng trả lời tốt nhất chất vấn của các đại biểu.
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh VGP.
Có 66 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Các đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên); Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận); Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu); Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình); Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An); Bùi Văn Phương (Ninh Bình);... chất vấn Bộ trưởng các nội dung: Mở rộng quốc lộ 1, làm tuyến tránh qua các đô thị; Giải pháp kiểm soát xe quá khổ, quá tải; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn nghiêm trọng; đầu tư các công trình giao thông vùng khó khăn (Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long); xử lý 69 dự án giao thông lớn, chậm tiến độ; có lợi ích nhóm trong các dự án BOT giao thông không...
Nâng cấp tuyến tránh cần nguồn lực
Về nâng cấp quốc lộ 1, làm các tuyến tránh đô thị, Bộ trưởng cho rằng, đây là giải pháp rất tốt để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế khi triển khai các tuyến tránh đô thị, do ngân sách rất hạn chế, tốc độ tăng trưởng xe rất nhanh, các tuyến tránh chỉ làm 2 làn đã dẫn đến quá tải, nguy cơ xảy ra tai nạn. Chúng tôi nhận thức được trách niệm của mình.
Theo Bộ trưởng, để nâng cấp tuyến tránh rất cần thiết, nhưng cần nguồn lực. Trong nhiệm kỳ này chúng ta đã phân bổ nguồn lực từ đầu nhiệm kỳ, đến nay chỉ còn 10% dự phòng, chỉ giải quyết vấn đề cấp bách. Khi được Quốc hội bố trí vốn, chúng tôi sẽ triển khai, Bộ trưởng nói.
Xe quá khổ quá tải phá hoại tài sản của nhà nước
Về xử lý xe quá tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Bộ Giao thông vận tải có các trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm. Khi đăng kiểm, tất cả các xe đều phải đảm bảo đúng quy trình, đúng kết cấu trong hồ sơ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sau khi đăng ký, đăng kiểm, một số chủ phương tiện cơi nới để chở quá tải. Việc này xảy ra sau khi đăng ký đăng kiểm và xảy ra ở địa phương.
Với trách nhiệm của mình, Bộ đã chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp cùng với chính quyền địa phương tăng cường xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải.
Tuy nhiên, tình trạng quá khổ quá tải còn diễn ra một số địa phương, tập trung chủ yếu ở tuyến đường nông thôn, tỉnh huyện. Các xe này không dám đi trên đường quốc lộ vì ở đây có nhiều lực lượng tuần tra kiểm soát hơn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, công an các cấp, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, bởi đây là hành vi phá hoại tài sản của nhà nước. Xe quá khổ quá tải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu mặt đường.
Để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất
Về đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đây là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông, do đó Bộ đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân, điều chỉnh và tham mưu Chính phủ, cuối 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 138 thay thế một số nội dung của Nghị định 65 về các cơ sở đào tạo.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo điều chỉnh Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính cũng như Nghị định 86, trong đó đã lồng ghép các nội dung như: Tăng cường giám sát giờ học của các học viên; tăng cường giám sát thời gian tập trên đường; tăng độ khó của các đề thi, đưa ra một số tình huống khó.
“Chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe, để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất’, Bộ trưởng khẳng định.
Những vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra với lái xe có thâm niên
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một số vụ tai nạn nghiêm trọng, gây bất an cho xã hội có liên quan đến lái xe, công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Ngoài công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn công tác quản lý lái xe trong quá trình vận hành.
Theo số liệu thống kê, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thường với lái xe có thâm niên 8 - 10 năm chứ không phải lái xe mới nhận bằng.
Do đó, để xử lý vấn đề này, theo Bộ trưởng, ngoài tăng cường kiểm tra sát hạch, thì còn phải tăng cường kiểm tra doanh nghiệp vận tải, hoạt động của lái xe, nhất là tình trạng sử dụng bia rượu.
Vấn đề này được đưa vào Nghị định 46 và Nghị định 86 đang nghiên cứu sửa đổi để nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu xe, lái xe, tăng mức răn đe trong các hình thức xử phạt.
Các biện pháp này, cùng với sự phối hợp của địa phương, Bộ Công an, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, sẽ kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn nghiêm trọng.
Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu vấn đề: Sau kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Trước đó, 2 Bộ Kế hoạch Đầu tư và Giao thông vận tải với nhiều lập luận cho rằng, Kiểm toán Nhà nước không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân.
Đại biểu hỏi Bộ trưởng vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu Kiểm toán Nhà nước không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không và có lợi ích nhóm ở đây hay không?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước.
Ông cho biết, ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ Giao thông vận tải đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ Giao thông vận tải không đồng ý kiểm toán dự án.
Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán. Số liệu hơn 200 năm phải trả phí mà các đại biểu phản ánh, trong kỳ họp trước chúng tôi đã trả lời. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, chúng tôi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong, chúng tôi sẽ quyết toán.
Căn cứ vào quyết toán thực tế, sẽ điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới cho thu phí. Nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt sẽ không đúng thực tế. Bộ trưởng cho biết đã giải trình vấn đề này một lần rồi. Số liệu hơn 200 là đúng nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu.
Ưu tiên bố trí vốn cho vùng khó khăn
Về hạ tầng giao thông kém tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đồng bằng song Cửu Long được bố trí vốn như các vùng khác nhưng do suất đầu tư cao, đất yếu nên khi làm cầu phải gia công tốn kém dẫn đến chi phí cao. Vùng trung du phía Bắc cũng có tình trạng tương tự.
Theo Bộ trưởng, các vùng này nên được ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nhiều hơn, không nên căn cứ vào vốn như hiện nay.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu trình Quốc hội phương án phân bổ vốn đầu tư hạ tầng giao thông phù hợp cho hai khu vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng
Về các dự án tồn đọng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã đề nghị bố trí 69 dự án nằm rải rác ở các địa phương, chi phí khoảng 2.200 tỷ đồng, dự kiến lấy trong phân bổ vốn dự phòng.
Đây là các dự án được khởi công trước năm 2015 khi Luật Đầu tư công chưa có hiệu lực. Bộ trưởng mong Quốc hội đồng ý phân bổ vốn để xử lý dứt điểm các dự án này.
“Chúng tôi cam kết từ giờ sẽ không có những dự án kiểu này, mà chuyển sang mô hình hợp tác công tư (BT). Mong Quốc hội trong kỳ phân bổ khoảng 2.400 tỷ đồng để trả chi phí thi công các công trình này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh VGP.
Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung: Xử lý những vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.