Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện môi trường làm việc, khắc phục sớm tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc.
Ngày 20/10 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, bất chấp nhiều nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng có chiều hướng suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, nhất là Quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018.
Một số ngành dịch vụ nhanh chóng phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Xét theo địa bàn, sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương khi có 44/63 tỉnh/thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt trên 6%. Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020-2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Kinh tế, tình hình lạm phát được kiểm soát, song trong thời gian từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân. Có ý kiến cho rằng đà tăng lạm phát của Việt Nam có độ trễ so với thế giới do Việt Nam mở cửa chậm hơn và phản ứng chính sách trễ hơn, do đó, lạm phát dự báo sẽ có xu hướng tiếp tục tăng cao và có thể đạt đỉnh vào nửa đầu năm và sau đó giảm dần về cuối năm. Lạm phát thời gian tới sẽ chịu áp lực tăng từ nhiều yếu tố, trong đó có sự phục hồi của cầu tiêu dùng, giải ngân đầu tư công; áp lực từ tỷ giá; việc triển khai mạnh hơn các chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động của điều chỉnh giá các dịch vụ công theo lộ trình.
Có ý kiến cho rằng, việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước; tỷ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng dầu bán cho khách hàng. Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ các tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và đề nghị tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội và các giải pháp điều hành mà Chính phủ đề ra cho những tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023.
Để tránh dàn trải, tập trung vào một số vấn đề chính, cốt lõi thực hiện trong năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội như đã phân tích trong báo cáo này; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính, đánh giá nguyên nhân và ảnh hưởng của lạm phát để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong nước kể cả từ phía cầu và chi phí đẩy, nhất là tác động do giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu sản xuất tăng cao trên thế giới. Xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát.
Đáng chú ý, tiếp tục theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước, từ đó đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao.
Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ: Đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và thực thi nhóm chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động việc làm hiện đại, liên thông, kết nối đi kèm với các giải pháp nhằm chính thức hoá lao động phi chính thức, tăng độ bao phủ an sinh xã hội. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ các chính sách đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể như chuyển đổi đa dạng, hiệu quả phương thức đào tạo nghề, bảo đảm các tiêu chí về quy mô và cơ cấu ngành nghề trên thị trường lao động, xây dựng mô hình đào tạo nghề gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu nghề nghiệp trong tương lai. Đối với hiện tượng một bộ phận lao động chưa quay lại thị trường lao động, cần thu thập dữ liệu để đánh giá và có giải pháp phù hợp. Tập trung giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, ổn định lực lượng lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, nâng cao năng suất lao động. Xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện môi trường làm việc, khắc phục sớm tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc.