Ngày 23/3, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội… Nhìn chung các ý kiến đều đánh giá Báo cáo làm kỹ lưỡng, nêu được các mặt thành công trong chỉ đạo, điều hành và quan trọng hơn cả là có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn với mong muốn rút kinh nghiệm cho các nhiệm kỳ công tác sau.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biều tại hội trường.
Không dám đưa ra “địa chỉ” có vì nể nang?
Góp ý, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, ở phía Chính phủ các luật lệ đường lối đúng nhưng triển khai lại rất chậm như vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp các tập đoàn kinh tế, chưa kể việc chính sách vừa quy định xong nhưng lại thay đổi. Điều đó cho thấy điều hành chưa nghiêm túc nên cái nọ vướng cái kia.
Ông Cao Sĩ Kiêm bày tỏ bức xúc với việc thực hiện kỷ cương, ý thức luật lệ và điều hành chính sách.
“Ví dụ bảo không mua sắm xe công, xây dựng trụ sở nhưng cứ phình ra. Xây dựng tượng đài phát triển rất nhiều. Công văn, chỉ thị chỉ làm được vài tháng đầu xong đâu lại vào đấy. Thất thoát là do quản lý không tốt thành ra tham nhũng. Đến khi họp thì báo cáo xuôi xuôi không ai dám đưa ra “địa chỉ” vì nể nang nhau, vì áp lực bầu bán, chức vụ”.
Ông Kiêm cũng cho rằng, rất yếu là công tác quản lý tài chính ngân sách, bội chi ép xuống được 4% giờ lại lên 6%.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc: Chưa bao giờ cái chết từ ruộng vườn đến nghĩa địa nhanh đến thế Giám định hậu quả về tội sử dụng chất cấm trái phép như thế nào? Anh đòi giám định hậu quả, tác hại để truy cứu trách nhiệm hình sự thì còn lâu. Chờ mấy chục năm mới thấy tác hại, có người chục năm, vài chục năm bị nhiễm độc mới chết. Cho nên chế tài trước mắt là cách chức, cấm kinh doanh. |
Còn, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) thì cho rằng, phát triển nền kinh tế nhưng phải giảm khoảng cách giàu nghèo nhưng Báo cáo chưa đề cập đến.
“Đây là vấn đề bản chất chúng ta cần làm rõ. Vấn đề chống tham nhũng Báo cáo có đề cập nhưng chưa đầy đủ. Tham nhũng là từ bộ máy chứ không từ nhân dân, vậy nhìn nhận vấn đề này thế nào? Vấn đề cải cách hành chính báo cáo của Chính phủ khá hoành tráng nhưng dân còn khổ lắm, nhiều thủ tục không giảm, vẫn còn nhũng nhiễu, làm khó dân, khó doanh nghiệp. Đặc biệt mục tiêu tinh giản bộ máy vẫn chưa có kết quả rõ rệt, vẫn giảm chỗ này mà phình chỗ kia”- theo bà Dung.
Hạn, mặn “đo” chính sách tái cơ cấu nông nghiệp
Theo ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa)- Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhìn chung chúng ta ban hành pháp luật tốt nhưng chưa đủ, khó khăn nhất là thực thi pháp luật và tôn trọng pháp luật. Nhiều vấn đề luật quy định rồi nhưng thông tư, nghị định lại có vấn đề.
Ông Ngoạn cũng băn khoăn làm sao để thực hiện được việc đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bây giờ năm 2020 không đạt được rồi vậy thì năm 2025 có đạt được không? Đó là điều cần tính toán.
Ở khía cạnh khác, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nêu vấn đề, “Ví dụ bộ ngành quyết nhưng địa phương không nghe. Chính phủ quyết liệt thì bộ ngành lại chậm. Nhiệm kỳ nào cũng nói kinh tế vĩ mô chưa ổn định. Vậy không ổn định là do đâu?”
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Bảo vệ chủ quyền chưa tương xứng Các báo cáo khi đề cập vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền chưa tương xứng. Người dân đọc cảm thấy gần như lướt qua. Vấn đề Biển Đông hết sức thiết thân, diễn ra hàng ngày hàng giờ, thế giới còn sốt ruột. Người dân cực kỳ quan tâm và muốn thấy ý chí của Nhà nước. Bảo vệ chủ quyền trước hết là nội trị, là lòng người, cố kết lòng dân. |
Ông Phong nêu ví dụ đồng thời lưu ý: Nắng hạn, ngập mặn mới thấy tái cơ cấu nền nông nghiệp của ta như thế nào. Người nông dân có ổn định không? Khi thiên tai nông dân phải gánh chịu rất đau đớn.
Chính sách rất tốt nhưng triển khai thực hiện quá chậm, đầu vào trong nông nghiệp như vật tư, phân bón thuốc trừ sâu thì doanh nghiệp của ta rất khó xin giấy phép nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại dễ dàng. Biến đổi khí hậu dân khổ, đầu tư xử lý biến đổi khí hậu chúng ta xin được 1 ngàn 300 tỷ đồng nhưng không có đề án cụ thể mà chạy theo sự vụ, trước kia sống chung với lũ thì giờ sống chung với hạn hán, ngập mặn, thiếu đề án mang tính lâu dài.
“Chúng ta không cẩn thận không khéo mất cả Đồng bằng sông Cửu Long”- ông Phong nói.
Hậu giám sát chưa quyết liệt
Đó là vấn đề được nhiều ĐB lo ngại khi cho ý kiến về Báo cáo của QH. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, việc thực hiện sau giám sát đã thấy rõ nhưng vẫn chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, chưa đi đến cùng.
Còn theo ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) công tác giám sát của QH còn nhiều vấn đề. Nói về giám sát ngân sách dẫn chứng việc chính bản thân bà là một thành viên Ủy ban Tài chính ngân sách, có điều kiện đóng góp ý kiến thường xuyên nhưng bà Thoại thấy rằng, số lượng đại biểu nắm được về lĩnh vực này thực sự là còn rất ít, “chắc không quá 1/3 có thể hiểu được cặn kẽ việc làm ngân sách nhà nước”, cho nên QH vẫn chưa thực sự chủ động nắm ngân sách được. Việc làm ngân sách vẫn dựa trên cơ sở Chính phủ trình để duyệt, quyết định, chưa tham gia trực tiếp quá trình xây dựng dự toán.
ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam): Quốc hội cần có chương trình giám sát sâu rộng Cần nâng hoạt động của QH lên một bước, phải có chương trình giám sát sâu rộng với quy mô lớn. Việc thực thi pháp luật, làm sao ngay từ giờ, đặt khái niệm xây dựng văn hoá pháp luật ở đất nước, giám sát việc thực thi pháp luật. |
Có lẽ vì thế mà ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng, “có Nghị quyết của QH rồi mà việc thực hiện còn chưa đến nơi đến chốn. Nhiều việc Chính phủ thực hiện như thế nào? Không thực hiện cũng không sao, cũng không có chế tài gì. Khiếu nại tố cáo đến nay vẫn còn cũng có nguyên nhân của hậu giám sát. Cho nên QH cần theo đuổi đến cùng kết luận giám sát của mình”.
Ở khía cạnh khác, ĐB Võ Thị Dung cho rằng, vấn đề bảo vệ chủ quyền nhân dân cả nước rất quan tâm, nhưng Báo cáo tổng kết của QH đề cập vấn đề này “rất lướt”, trong khi đó báo cáo kiến nghị cử tri được MTTQ tập hợp thì người dân rất tâm tư vấn đề này.
QH phải làm rõ chủ trương, phương pháp đấu tranh trong bảo vệ chủ quyền đất nước. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan chủ quyền quốc gia, chúng ta có quyết sách gì phải công bố cho toàn dân biết để quyết tâm bảo vệ chủ quyền đặc biệt trong giai đoạn Trung Quốc có nhiều hoạt động gây hấn tại Biển Đông.
QH cần tạo điều kiện để lắng nghe cử tri. Hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động của QH, chẳng hạn kỳ họp quá dài có nhiều nội dung, một số nội dung tranh luận không đến nơi đến chốn.
ĐB Võ Thị Dung (TP HCM): Loại bỏ quan liêu trong xét xử Báo cáo của Tòa án chỉ đưa ra con số mà không có sự so sánh giữa nhiệm kỳ này với nhiệm kỳ trước để thấy những vấn đề đạt được, chưa đạt được. Phải bỏ sự quan liêu trong xét xử, tôi rất bức xúc vấn đề này. Thực tế việc quan liêu trong bộ máy hành pháp đang làm khổ dân. Quan liêu thì không bảo vệ được dân. Đó là lý do khiến oan sai còn nhiều. |