Quốc hội thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Quyền lợi của con dâu, con rể trong việc hưởng quyền thừa kế

Hoài Vũ 26/06/2015 08:56

Con dâu, con rể có được hưởng quyền thừa kế? Đó là vấn đề được nhiều vị ĐBQH đề nghị khi góp ý vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) diễn ra vào chiều ngày 25-6. Nhiều ĐB cũng cho ý kiến về vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự và việc đặt tên không được vượt quá 25 chữ cái.

Quốc hội thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Quyền lợi của con dâu, con rể trong việc hưởng quyền thừa kế

ĐB Khúc Thị Duyền phát biểu tại hội trường, ngày 25-6

Ảnh: Hoàng Long

Về việc con dâu, con rể có được hưởng quyền thừa kế hay không? ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị, cần bổ sung thêm đối tượng con dâu, con rể nếu chăm sóc, đóng góp cho gia đình thì là đối tượng được thừa kế di sản. Bà Duyền nói: “Vì thực tế chúng ta đang xây dựng gia đình hiện đại, hiện đại nhưng có tiếp nối của truyền thống. Có nhiều trường hợp người con đẻ con chăm sóc bố mẹ chưa chắc bằng con rể, con dâu. Đây là vấn đề Ban soạn thảo cần suy nghĩ, xem xét để quy định”.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phân tích thêm: “Trên thực tế cuộc sống có nhiều con dâu, con rể có đóng góp cho gia đình, chăm lo chăm sóc bố mẹ chồng, bố mẹ vợ tốt hơn con cái trong gia đình. Thực tế nhiều tài sản bất động sản như nhà ở đều do bố mẹ chồng, bố mẹ vợ đứng tên. Khi bố mẹ mất đi không để lại di chúc nên con dâu, con rể không được thừa kế. Nhiều trường hợp chị em không may mắn nên khi ra đi trắng tay. Vì vậy cần quy định con dâu, con rể được quyền thừa kế”.
Về thời hiệu thừa kế là 30 năm với bất động sản, và 10 năm với động sản, các ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh); Khúc Thị Duyền (Thái Bình); Phạm Văn Hà (Nghệ An) bày tỏ quan điểm tán thành với quy định trên. Bởi theo phân tích của ông Hà: Trước đây quy định thời hạn 10 năm là quá ngắn làm ảnh hưởng quyền lợi của người thừa kế. Thực tế, nhiều người khi bố mẹ mất còn đang làm ăn nước ngoài, khi về nước thì thời hiệu đã hết nên không được hưởng quyền lợi. “Hiện nay người Việt Nam làm ăn ở nước ngoài rất đông, do vậy tăng thời hiệu thừa kế là cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân”- ông Hà dẫn chứng.

Không đồng tình “bảo vệ người thứ ba ngay tình”

Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu là một trong những nội dung được các ĐBQH tập trung thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề này lại chưa nhận được sự đồng nhất từ phía các ĐBQH. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 133 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bổ sung quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi tài sản là đối tượng của giao dịch đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể là “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng quyền sở hữu, vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

Tuy nhiên, qua thảo luận nhiều ĐB bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định này. ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) đề nghị, cân nhắc không nên quy định trường hợp này. Vì thực tế việc đăng ký tài sản thời gian qua thời gian qua còn nhiều sai sót, vi phạm pháp luật đã ảnh hưởng đến quyền của chủ sở hữu tài sản ban đầu. Theo ông Trường: Trong điều kiện hiện nay khi việc đăng ký tài sản, bán đấu giá tài sản còn nhiều hạn chế, bất cập, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản ban đầu thì việc xây dựng cơ chế để bảo vệ chủ sở hữu tài sản ban đầu là cần thiết. Ông Trường kiến nghị “Trong trường hợp Quốc hội quyết định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình thì cần quy định nội dung cụ thể đó là cơ quan đăng ký quyền sở hữu, tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu trong trường hợp việc bán đấu giá tài sản, đăng ký quyền sở hữu vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chủ sở hữu tài sản ban đầu”.

Theo ĐB Khúc Thị Duyền thì nên cân nhắc quy định nêu trên vì nếu chỉ chú trọng bảo vệ người thứ ba ngay tình thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, đặc biệt trong điều kiện hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay chưa thực sự hoàn thiện, đồng bộ thì việc căn cứ vào sự kiện quyền sở hữu và vật quyền khác đối với tài sản đã được đăng ký để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình có thể dẫn đến những khó khăn, bất cập trong thực tiễn.

ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cũng cho rằng: Theo Dự thảo thì mục đích chính là bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình. Nhưng thực tế, nếu bảo vệ người thứ ba ngay tình thì không bảo vệ được chủ sở hữu thực sự tài sản. Trong khi việc đăng ký tài sản còn nhiều bất cập.

Đặt tên dài sẽ làm khó cơ quan chức năng

Các vấn đề về quyền nhân thân trong đó có việc đặt tên đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều vị ĐB. Theo quy định của Luật “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá 25 chữ cái”.

Nhận định về quy định trên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng: Nếu tên quá dài sẽ không thể đủ chỗ để ghi, phải viết tắt thì dễ gây nhầm lẫn. Việc không giới hạn dễ dẫn đến tình trạng có người đặt tên cả 100 ký tự thì cơ quan Nhà nước sẽ không biết làm sao. Theo ông Cảnh, để thuận lợi cho người dân trong giao dịch dân sự, kiểm tra hành chính thì cần giới hạn việc đặt tên nhưng cần làm rõ vì sao khống chế trong 25 ký tự mà không phải ở mức khác? Nếu đã có quy định này thì cần bổ sung quy định cá nhân có quyền thay đổi họ tên theo hướng rút ngắn hơn tên mình


Đồng tình quan điểm trên, ĐB Khúc Thị Duyền cho rằng, người Việt ra nước ngoài cũng phải tuân thủ pháp luật nước ngoài về đặt tên. Nhiều trường hợp đặt tên 35 ký tự mà cơ quan Nhà nước vẫn phải ghi vào giấy phép lái xe, căn cước nhưng phải viết tắt. Như vậy rất khó khăn trong công tác quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội thảo luận về Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Quyền lợi của con dâu, con rể trong việc hưởng quyền thừa kế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO