Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự: Ủng hộ việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

H.Vũ Ảnh: Hoàng Long 18/06/2015 09:22

Ngày 17-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Nhiều ĐBQH đồng tình với việc bắt buộc ghi âm, ghi hình khi tiến hành hỏi cung.

Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự: Ủng hộ việc ghi âm,  ghi hình khi hỏi cung

Các đại biểu thảo luận tại hội trường ngày 17-6

Bảo vệ quyền con người thì không có gì là tốn kém

Không tạm giam người trên
70 tuổi là không phù hợp

ĐB Đặng Công Lý- Chánh án TAND tỉnh Bình Định không đồng tình với việc không áp dụng tạm giam đối với người trên 70 tuổi. “Thực tế qua xét xử cho thấy có nhiều đối tượng ở tuổi này phạm tội nghiêm trọng nhất là tội buôn bán ma túy, nên bỏ án tử hình đối với đối tượng này là không hợp lý. Ngoài ra căn cứ vào đâu mà đề ra mức 70 tuổi, bởi vì Luật Người cao tuổi quy định người cao tuổi là công dân 60 tuổi. Cho nên không tạm giam người trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là không phù hợp nên cần xem xét lại”- ông Lý nói.

Là ĐB phát biểu đầu tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị, cần lắp camera tại nơi hỏi cung để ghi âm, ghi hình và coi đây là một chứng cứ. “Tại phiên chất vấn về giám sát oan sai, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đồng tình và cho biết hiện cơ quan Công an đã lắp camera ghi âm, ghi hình tại một số nơi khi thực hiện hỏi cung, vì chưa có kinh phí nên chưa lắp đồng bộ được, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng thêm kinh phí đầu tư cho điều tra hình sự”- bà Nga dẫn chứng, đồng thời chỉ rõ: Trong báo cáo giám sát oan sai vừa qua, UBTVQH cũng đã kiến nghị Chính phủ đầu tư kinh phí cho thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung nhục hình. Như vậy, cho đến nay, ý kiến chính thức của Bộ Công an, Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao là thống nhất; UBTVQH nhất trí, Uỷ ban thẩm tra cơ bản đồng tình. “Tôi cho rằng sự đồng thuận đó đã đủ cho chúng ta luật hóa quy định này như đề xuất của Ban soạn thảo. Nếu có ý kiến phản biện rằng không đủ kinh phí thì cũng cần đưa ra con số cụ thể cần bao nhiêu tiền để Quốc hội biết và phân bổ ngân sách cho hoạt động điều tra, bởi đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho các hoạt động này là một yêu cầu quan trọng trong Nghị quyết của đảng về cải cách tư pháp”- bà Nga nói.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thái Học- Trưởng ban Nội chính tỉnh Phú Yên cho rằng: Luật quy định rõ khi hỏi cung phải ghi âm, ghi hình là tiến bộ thể hiện khi hỏi cung có sự công khai, minh bạch, và giám sát. Điều băn khoăn nhất chính là nguồn kinh phí cho tất cả các cuộc ghi âm khi hỏi cung. “Tôi ủng hộ quan điểm này. Nếu bảo vệ được quyền con người, nếu chống được bức cung nhục hình thì tốn kinh phí chúng ta cũng phải xem xét. Tại buổi thảo luận ở tổ, rất nhiều lãnh đạo địa phương nói bảo vệ quyền con người và chống bức cung nhục hình thì sẵn sàng bỏ kinh phí để lắp. Theo tôi nhiều địa phương khác cũng sẽ ủng hộ tinh thần này”- ông Học nêu quan điểm.

Nhất trí hoàn toàn chủ trương ghi âm ghi hình đối với tất cả các trường hợp, ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) phân tích: “Vì đầu tư cơ sở hạ tầng như nhau thì ghi âm tất cả quá trình hỏi cung giữa người thi hành tố tụng với bị can, bị cáo. Ngoài việc chống bức cung nhục hình thì nó còn giúp cho cơ quan tố tụng trong trường hợp bị phản cung. Khi ra tòa bị cáo nói bị bức cung, nhục hình thì băng ghi âm, ghi hình chính là bảo vệ cho người thi hành tố tụng. Không ai thích thú gì khi đang làm việc mà bị theo dõi, ghi lại, nhưng để những tránh sai sót như vừa qua thì nên áp dụng. Dù có tốn kém, nhưng khả thi”.

Nói như lời ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) thì ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là đổi mới, làm tăng tính minh bạch. Vì tình trạng mớm cung, dùng nhục hình trong thời gian qua không chỉ đối với bị can ngoan cố, cứng đầu mà còn với người có trình độ kém. Do vậy ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là cần thiết tránh bức cung, nhục hình, bảo đảm quyền con người”.

Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự: Ủng hộ việc ghi âm,  ghi hình khi hỏi cung - 1

ĐB Lê Thị Nga phát biểu tại hội trường, ngày 17-6

Quyền im lặng

Lời khai của bị can không phải là chứng cứ buộc tội

ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng, nguyên tắc suy đoán vô tội tức là khi cơ quan pháp luật không chứng minh được thì đương nhiên người đó được coi là người vô tội. Còn lời khai của bị can chỉ là nguồn chứng cứ thu thập chứ không phải chứng cứ buộc tội. Kể cả khi họ nhận tội thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải chứng minh là họ phạm tội vì có trường hợp nhận tội thay anh chị em, họ hàng hay vì tiền. “Quyền không khai báo của bị can, bị cáo khi chưa có sự tham gia của luật sư cần được đưa vào ngay dự thảo luật”- ông Hùng kiến nghị.

Sau khi dẫn chứng “Điều 14, Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền dân sự chính trị năm 1966, Việt Nam tham gia năm 1982 đã ghi nhận quyền không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội. Điều 14, Hiến pháp 2013 quy định các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm”, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, pháp luật Việt Nam đã xác định việc trình bày lời khai là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Họ trình bày hay không là quyền của họ, luật không quy định nghĩa vụ buộc phải thực hiện quyền trình bày lời khai. Theo bà Nga: Quy định như Dự thảo rõ ràng là minh bạch hơn so với hiện hành, vừa giúp cho bị can, bị cáo thấy rõ quyền của mình, người tiến hành tố tụng thấy rõ nghĩa vụ và giúp Nhà nước chống oan, sai. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để thực hiện nguyên tắc trách nhiệm chứng minh, suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, quyền im lặng là bị can, bị cáo không trình bày lời khai khi chưa có luật sư của họ. Khi chưa có luật sư thì không thể bắt họ khai, khai hay không đó là quyền của họ. Theo ông Phương, ở góc độ nào đó cơ quan điều tra phải tăng cường nghiệp vụ, tăng cường khám nghiệm hiện trường để tìm chứng cứ. Chính vì vậy, ông Phương đề nghị sửa đổi theo hướng “người bị bắt có quyền im lặng”. Bởi thực tế thời gian qua chúng ta thiếu quyền im lặng khiến bị can, bị cáo mất bình tĩnh nên có lời khai thừa nhận mình có tội. “Quyền im lặng có ở nhiều nước trên thế giới, để đảm bảo quyền con người, nếu được áp dụng thì đây sẽ là tiến bộ trong luật pháp, giảm oan sai”- ông Phương cho hay.

Đồng tình việc “người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội”, ĐB Trần Ngọc Vinh- Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh: Trước hết phải khẳng định đây là quyền quan trọng đã được quốc tế công nhận tại Công ước của LHQ về quyền dân sự chính trị năm 1966, mà Việt Nam đã tham gia năm 1982. Theo ông Vinh, trong điều tra các vụ án hình sự hiện không ít trường hợp vi phạm quyền con người trọng lời khai hơn chứng cứ khác. Vì vậy, quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội sẽ buộc cán bộ thay đổi tư duy, tăng cường lấy lời khai từ nhân chứng, khám nghiệm hiện trường chứ không phải nhăm nhăm lấy lời khai của bị can.

Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự: Ủng hộ việc ghi âm,  ghi hình khi hỏi cung - 2

ĐB Nguyễn Thái Học - Phú Yên: Luật quy định rõ khi hỏi cung phải ghi âm, ghi hình là tiến bộ thể hiện khi hỏi cung có sự công khai, minh bạch, và giám sát. Tôi ủng hộ quan điểm này. Nếu bảo vệ được quyền con người, nếu chống được bức cung nhục hình thì tốn kinh phí chúng ta cũng phải xem xét.

Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự: Ủng hộ việc ghi âm,  ghi hình khi hỏi cung - 3

ĐB Vũ Xuân Trường- Nam Định:Ngoài việc chống bức cung, nhục hình thì việc ghi âm, ghi hình còn giúp cho cơ quan tố tụng trong trường hợp bị phản cung. Khi ra Tòa bị cáo nói bị bức cung, nhục hình thì băng ghi âm, ghi hình chính là bảo vệ cho người thi hành tố tụng. Không ai thích thú gì khi đang làm việc mà bị theo dõi, ghi lại, nhưng để những tránh sai sót như vừa qua thì nên áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội thảo luận về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự: Ủng hộ việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung