Hôm qua (29/8), tại Bình Nhưỡng, Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên (tức Quốc hội) khóa 14 đã tiến hành kỳ họp thứ hai trong năm nay.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Reuters).
Tại kỳ họp lần này, Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên đã phê chuẩn sửa đổi Hiến pháp nhằm tiếp tục xác lập vai trò nguyên thủ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong báo cáo công tác được Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên (Chủ tịch Quốc hội) Choe Ryong Hae trình bày tại kỳ họp lần này chỉ rõ, Hiến pháp sửa đổi quy định Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ do Hội nghị nhân dân tối cao bầu dựa trên ý nguyện của người dân, được ủy quyền ban hành các sắc lệnh lập pháp, nghị định, quyết định lớn, có quyền bổ nhiệm hoặc triệu hồi các phái viên ngoại giao.
Ông Choe Ryong Hae nhấn mạnh, Hiến pháp sửa đổi tiếp tục củng cố hơn nữa tư cách pháp lý đại diện cho quốc gia của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, là lãnh đạo duy nhất đối với phương hướng chính sách lớn cũng như mọi mặt công tác của quốc gia.
Tuy nhiên, Hiến pháp sửa đổi cũng quy định, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ sẽ không đảm nhiệm chức vụ đại biểu Hội nghị nhân dân tối cao.
Hiến pháp năm 2009 của Triều Tiên quy định, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là “lãnh đạo tối cao” còn “người đại diện cho đất nước” hay nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao. Tại kỳ họp lần thứ nhất của Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên khóa 14 (4/2019) đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp, công nhận Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên là nguyên thủ quốc gia. Động thái được cho cho là góp phần khẳng định tính chính danh của ông Kim Jong-un trong các hoạt động ngoại giao.