Tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn thường xuyên xảy ra tại Quốc lộ 22, đặc biệt là đoạn từ cầu vượt An Sương đến huyện Củ Chi (TP.HCM), không đáp ứng được nhu cầu vận tải của khu vực.
Một phần Nhánh N2 hầm chui An Sương (phía đường Trường Chinh) đã thi công xong. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN).
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ, hiện tại Quốc lộ 22 (đường xuyên Á), tuyến quốc lộ duy nhất nối Thành phố Hồ Chí Minh với cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), thông thương các nước khu vực Đông Nam Á đã quá tải gấp 2 lần so với năng lực thiết kế.
Trên tuyến đường tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn thường xuyên xảy ra, đặc biệt là đoạn từ cầu vượt An Sương đến huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), không đáp ứng được nhu cầu vận tải của khu vực.
Tuyến Quốc lộ 22 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có tổng chiều dài 58,5 km. Trong đó, đoạn từ ngã tư An Sương đến huyện Củ Chi dài 30,5 km quy mô 4 làn xe và đoạn qua tỉnh Tây Ninh (từ huyện Trảng Bàng đến Mộc Bài) dài 28 km, quy mô 2 làn xe.
Theo số liệu điều tra, khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 7/2017, lưu lượng xe (không kể xe máy) trên Quốc lộ 22 đạt 39.700 xe/ngày đêm (tương đương khoảng 62.000 xe con quy đổi/ngày đêm), đã mãn tải so với năng lực thiết kế (36.000 xe con quy đổi/ngày đêm).
Theo quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài là một trong 7 tuyến cao tốc khu vực phía Nam.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội; giúp giảm tải đáng kể cho tuyến Quốc lộ 22, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Đông Nam Bộ nói chung.
Tuyến đường này sẽ kết nối thuận lợi với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đến các tuyến vành đai của Thành phố Hồ Chí Minh, các khu kinh tế, chế xuất, sân bay và cảng biển quốc tế, tạo thành mạng lưới giao thông đối ngoại và đối nội của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh.
Tổng chiều dài của tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài là 53,5 km (điểm đầu tại đường vành đai 3, thuộc huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 tại km 53+850 (trước khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh), quy mô hoàn chỉnh đoạn từ vành đai 3 đến huyện Trảng Bàng 8 làn xe; đoạn còn lại từ Trảng Bàng đến Mộc Bài 6 làn xe.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn đến sau 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài dự kiến đầu tư giai đoạn từ năm 2020.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giao Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài theo hình thức đối tác công tư (PPP); giao Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh phối hợp chặc chẽ với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án theo đúng quy định” là cơ sở pháp lý cao nhất để Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh sớm triển khai dự án vào đầu năm 2020.
Trước đó, theo thỏa thuận giữa tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng chính phủ giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Ước tính tổng mức đầu tư khoảng 10.668 tỷ đồng (bao gồm 5.745 tỷ đồng chi phí xây dựng; 2.004 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng và 2.919 tỷ đồng chi phí khác).
Trong bối cảnh nguồn ngân sách trung ương bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn khó khăn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh sẽ bố trí từ nguồn vốn ngân sách để đền bù, giải phóng mặt bằng trên địa phận quản lý của mình để bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh theo hình thức BOT./.