Doanh số bảo lãnh của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng ước khoảng trên 4.768,31 tỷ đồng, với khoảng trên 2.450 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Quỹ bảo lãnh tín dụng dành cho DNNVV chưa phát huy được hiệu quả.
DNNVV hiện chiếm 97% tổng số DN trên cả nước, đóng góp vào việc tạo công ăn việc làm, việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của DNNVV đối với nền kinh tế, thời gian qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho DNNVV hoạt động hiệu quả, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ vay vốn tại các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính... Chẳng hạn Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng để các DNNVV tiếp cận vay vốn tại các tổ chức cho vay. Một số Quỹ bảo lãnh tính dụng (TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ...) thực hiện thêm nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, thực tế quỹ bảo lãnh tín dụng chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. TS Phạm Phan Dũng - chuyên gia dự án USAID LinkSME cho biết, hiện nay có 25 quỹ bảo lãnh tín dụng đang hoạt động, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng để các DNNVV tiếp cận vay vốn. Theo ông Dũng, doanh số bảo lãnh của các quỹ bảo lãnh tín dụng từ năm 2002 lũy kế đến 31/12/2021 ước khoảng trên 4.768,31 tỷ đồng với khoảng trên 2.450 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Song, chỉ một số ít DNNVV được tiếp cận vốn trong khi đây là khối DN đông đảo và đang rất khát vốn. Theo các chuyên gia, khó về thủ tục vay vốn và thiếu tài sản đảm bảo là rào cản khiến cho các DNNVV không tiếp cận được vốn. Và những hạn chế xuất phát từ chính bản thân DNNVV như: quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi...
Ngoài ra, việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của DN đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, tạo ra áp lực cho hệ thống TCTD, trong khi TCTD không có đủ thông tin về DN, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho các DNNVV vay.
Thực tế cũng cho thấy, nguồn vốn của các Quỹ bảo lãnh tín dụng khá hạn hẹp, chủ yếu là hỗ trợ từ ngân sách địa phương (cấp vốn điều lệ ban đầu, cấp bổ sung vốn điều lệ). Ngoài ra, nguồn vốn cũng có thể được bổ sung thêm từ nguồn thu từ lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, nguồn vốn ủy thác của các cơ quan, tổ chức kinh tế hoặc từ hoạt động đầu tư.
Tính đến 31/12/2021, có 10 Quỹ bảo lãnh tín dụng có vốn điều lệ tối thiểu đạt 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số quỹ bảo lãnh tín dụng khác có vốn điều lệ chỉ từ 4 - 80 tỷ đồng.
Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước từng nêu quan điểm, quỹ cần thay đổi một số điểm, như về tổ chức nên là quỹ của toàn quốc gia, các quỹ địa phương nên sắp xếp lại là một chi nhánh trực thuộc quỹ Trung ương, từ đó mới hợp nhất thành nguồn lực toàn quốc nâng mức vốn điều lệ cao lên. Ông Hòe cũng cho rằng, Nghị định của Chính phủ phải công bố ngay hoạt động của quỹ bảo lãnh là nhằm bảo lãnh tín chấp cho các doanh nghiệp SME, vốn đối ứng của DN cho phương án, dự án vay vốn khoảng 20%. Nếu có tài sản bảo đảm thì chỉ chiếm khoảng 20-30%.
Cùng với đó, khi đã giao vốn thì quỹ phải chịu trách nhiệm khoản bảo lãnh đúng đối tượng, đúng tôn chỉ mục đích và phải gia tăng được khả năng huy động vốn của DN. Quỹ này không vì lợi nhuận nhưng phải an toàn, tháo gỡ được khó khăn cho DN và đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ trong các chu kỳ bảo lãnh nếu có phát sinh.