Ngày 6/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ chế tài chính nhằm tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong chăm sóc sức khỏe”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cùng với mức tăng trưởng kinh tế cao trong ba thập kỷ qua, hệ thống y tế của Việt Nam liên tục phát triển, đạt những thành tựu rất quan trọng, đáp ứng với những thách thức mới về nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, một trong những thách thức hiện nay đó là tỷ lệ chi tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế còn cao. Theo báo cáo, tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế trong năm 2017.
Mức chi tiêu từ tiền túi này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 20% và cao gấp 2-2,5 lần so với các nước phát triển (từ 14-20%).
Theo bà Nguyễn Kim Phương, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, so với các nước tiên tiến, mức chi tiêu cho y tế từ tiền túi của người dân Việt Nam đang ở mức rất cao. Cách đây gần 10 năm, mức tỉ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ vào khoảng 49%, khi đó chỉ có hơn 50% dân số tham gia BHYT, trong khi tại thời điểm nay, tỉ lệ phủ BHYT ở Việt Nam đã đạt gần 90% nhưng tỉ lệ chi trả từ tiền túi hộ gia đình chỉ giảm nhẹ và vẫn ở mức cao (43-45%).
Theo WHO, khi khoản chi cho y tế từ tiền túi của người dân bằng hoặc lớn hơn 40% khả năng chi trả của hộ gia đình (là phần thu nhập còn lại của hộ gia đình sau khi đã trừ khoản chi dành cho lương thực, thực phẩm) thì đó là "chi phí y tế mang tính thảm họa". WHO cũng từng khuyến cáo để bảo đảm sự an toàn đối với chi tiêu gia đình thì tỉ lệ chi cho các dịch vụ y tế chỉ nên chiếm khoảng từ 20% đến 30% tổng chi.
“Điều này có liên quan đến một thực tế là quỹ BHYT chưa đảm bảo bao phủ toàn bộ nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và mức độ bao phủ về tài chính còn hạn chế”, GS.TS Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Số liệu được đưa ra tại cuộc hội thảo chỉ rõ, hiện tại, mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng).
Với mức chi tiêu này, Việt Nam đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar nhưng đứng dưới hàng loạt quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia. Trong đó người dân Thái Lan chi khoảng 6 triệu đồng/người/năm, mức chi tại Malaysia là 12 triệu đồng/người/năm.
Trong bối cảnh gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong lĩnh vực y - dược, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính y tế nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả đặc biệt là các giải pháp công nghệ tiên tiến có chi phí cao về thuốc, dịch vụ, vật tư y tế đang dần trở thành mối quan tâm lớn.
“Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để xây dựng một cơ chế tài chính phù hợp và hiệu quả, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh, giúp họ có thể tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Bên cạnh đó, tại hội thảo, một thực trạng cũng được đưa ra, đó là hiện nay, hầu hết bệnh viện áp dụng phương thức chi trả theo phí dịch vụ, nghĩa là bệnh nhân dùng dịch vụ nào thì trả tiền cho dịch vụ đó. Phương thức này tiềm ẩn nguy cơ gia tăng chi phí, dẫn đến đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ cố gắng để cung cấp dịch vụ nhiều hơn.
Nói về những giải pháp, TS Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng, để giảm chi tiền túi người dân phải tăng mức đóng để mở rộng hơn nữa phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh.
Tăng mức đóng có thể từ nguồn nhà nước hỗ trợ, nguồn thu nhập doanh nghiệp và từ tiền lương của người dân. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu phần trăm lương cơ sở, tăng đối tượng nào trước… cần có nghiên cứu, tính toán thận trọng theo lộ trình (mức đóng BHYT hiện tại là 4,5% lương cơ sở).
Đặc biệt, khi tăng mức đóng phải kiểm soát chi tiêu hiệu quả tại các bệnh viện. Do đó, dự kiến từ tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ bắt đầu áp dụng phương thức chi trả theo chẩn đoán với bệnh nhân nội trú, xác định trước số tiền cho mỗi chẩn đoán bệnh. Khi đó cả bác sĩ và bệnh nhân đều đối tượng được chỉ định như thế nào, sử dụng dịch vụ nào để hợp lý nhất, tiết kiệm chi tiêu.