Tết Nguyên đán là dịp người dân mong chờ để có một kỳ nghỉ dài về đoàn tụ với người thân. Song, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đưa ra những quy định khác nhau, mỗi nơi một kiểu gây nhiều khó khăn cho người dân có nhu cầu về quê ăn Tết.
Chỉ còn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán 2022. Nhu cầu về quê của người dân trong thời gian này tăng rất cao. Tuy nhiên hiện mỗi địa phương lại có những quy định phòng, chống dịch khác nhau với người trở về đón Tết như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Bắc Giang…
Những quy định không giống nhau
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịp Tết Nguyên đán, các địa phương không cấm người dân về quê ăn Tết, nhưng mỗi địa phương đang thực hiện những quy định chống dịch khác nhau. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh hoặc PCR, có tỉnh yêu cầu khai báo y tế hay có nơi vận động người dân tự cách ly tại nhà 7 ngày.
Đơn cử như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh Yên Bái yêu cầu các Sở, ban, ngành; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố rà soát tới tất cả các hộ gia đình trên địa bàn để nắm được số lượng người thân từ ngoại tỉnh về nghỉ Tết. Tỉnh yêu cầu các trạm y tế tuyến xã đảm bảo trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin khai báo y tế của người dân, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát (2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 3) đối với toàn bộ người dân ngoại tỉnh về địa phương trong dịp nghỉ Tết.
Tỉnh Bắc Giang yêu cầu người từ tỉnh, thành có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính trong 48 giờ, hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ.
Còn tỉnh Phú Thọ quy định, người trở về từ vùng thuộc cấp độ dịch 3 và 4 phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày; người chưa tiêm đủ 2 liều vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Người dân trở về từ các xã, phường thuộc cấp độ 1, cấp độ 2 chủ động tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên.
Tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu người ở tỉnh, thành khác tới, về quê ăn Tết, phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh. Người dân phải thực hiện khai báo y tế, tự cách ly tại nhà 14 ngày nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc 7 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi. Khi kết thúc cách ly, người dân phải tự xét nghiệm nhanh Covid-19, có kết quả âm tính mới được tham gia hoạt động tại cộng đồng.
Thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cũng yêu cầu giấy xét nghiệm với người đến, về địa phương. Đồng thời khuyến cáo người dân vận động, thông tin đến người thân trong gia đình đang học tập và làm việc ngoại tỉnh không đi, về thành phố Thái Nguyên từ nay đến dịp Tết.
Có gây khó người dân?
Thực tế cho thấy, những quy định phòng, chống dịch khác nhau được áp dụng tại mỗi tỉnh gây khó khăn, lo lắng không nhỏ cho bộ phận người dân có nhu cầu về quê ăn Tết.
Anh Lại Thế Hà (33 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết: Gia đình tôi làm việc trên Hà Nội và có kế hoạch về quê ăn Tết cùng ông bà, cha mẹ nên những ngày qua rất quan tâm tới quy định phòng, chống dịch với người về quê tại địa phương. Tuy nhiên cũng cảm thấy khá hoang mang, vì có nhiều ý kiến khác nhau về việc này. Bên cạnh đó là lo lắng thời gian từ giờ đến Tết, dịch bệnh có thể phát triển theo chiều hướng xấu và địa phương có thể áp dụng quy định ngặt nghèo hơn đối với người ngoại tỉnh. Chưa kể, chi phí xét nghiệm PCR đối với 1 gia đình 4 người như nhà tôi cũng không phải là một khoản nhỏ”.
Ở một góc nhìn khác, anh Vũ Hồng Cường (35 tuổi, quê Hải Dương) cho hay: Tôi khá đồng tình với quy định yêu cầu xét nghiệm đối với người về quê ăn Tết tại một số địa phương, ví dụ như chính gia đình tôi, về quê ăn Tết bởi vì còn 2 cụ ở nhà, mà nếu mình không xét nghiệm trước, không may bị mắc Covid-19 thì đầu tiên sẽ lây nhiễm cho bố mẹ đã lớn tuổi thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi vậy, kể cả địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch thì trước khi về quê, gia đình tôi cũng sẽ xét nghiệm Covid-19 cho an toàn. Tuy nhiên, theo tôi tìm hiểu, có địa phương yêu cầu người về quê cần ở nhà cách ly 7 ngày, quy định này là quá ngặt nghèo nếu như đã tiêm vaccine đầy đủ.
Để bảo đảm công tác y tế, phòng, chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán 2022, đặc biệt theo dõi, giám sát biến chủng Omicron, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành cập nhật, triển khai có hiệu quả các hướng dẫn giám sát, cách ly phòng, chống dịch theo quy định của bộ. Hiện việc đánh giá cấp độ dịch ở các tỉnh, thành vẫn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 về thích ứng với dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Thông tin mới nhất, Bộ Y tế cho biết đang sửa đổi hướng dẫn 4800 theo hướng “cởi mở” hơn và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19, trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại. Với tỷ lệ bao phủ vaccine như hiện nay, chúng ta không “ngăn sông cấm chợ” mà thực hiện quản lý rủi ro, đánh giá nguy cơ nhỏ nhất cấp xã, phường.
“Việc một số địa phương vận động hay ra quy định làm khó người dân về quê ăn Tết gây dư luận không tốt. Bên cạnh đó, mỗi nơi thực hiện quy định phòng, chống dịch một kiểu cũng làm ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội. Thực tế, việc cách ly, xét nghiệm đối với người về từ địa phương khác đã được Bộ Y tế quy định cụ thể. Theo đó, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn” - ông Phu nêu ý kiến.
Cũng theo ông Phu, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định về đánh giá nguy cơ, nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn tới việc đưa ra cấp độ dịch không đúng, hoặc không đến nơi thì không phòng, chống được dịch, thái quá thì lại ảnh hưởng đến xã hội, an sinh của người dân.
PGS.TS NGUYỄN HUY NGA - NGUYÊN CỤC TRƯỞNG CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG (BỘ Y TẾ):
Tăng cường tuyên truyền về ý thức phòng, chống dịch
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Nguy cơ lây lan trong dịp Tết Nguyên đán là rất cao bởi người dân có nhu cầu về quê ăn Tết, lao động ở nước ngoài sẽ nhập cảnh về. Vì vậy cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân để nâng cao ý thức của cộng đồng. Người dân về quê ăn Tết thì phải nhập cảnh hợp pháp qua các cửa khẩu để được cách ly phòng, chống dịch, tuyệt đối không nhập cảnh trái phép. Người nhà tuyên truyền, khuyến cáo người thân nếu họ ở nước ngoài về nước. Nếu người thân, cộng đồng, tổ dân phố phát hiện có người nhập cảnh trái phép phải báo ngay để được đưa đi cách ly.
Đối với người dân trong nước, không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh. Mọi người phải thực hiện tốt 5K mọi chỗ, mọi nơi, xem bản thân mình có an toàn để về quê hay không, được đi lại hay không, lựa chọn phương tiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với đám đông, đi nhiều nơi không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập… để ăn Tết vui vẻ, an toàn dịch bệnh.
BS ĐỖ QUỐC PHONG - PHÓ TRƯỞNG KHOA HỒI SỨC TÍCH CỰC NỘI KHOA VÀ CHỐNG ĐỘC (BỆNH VIỆN E):
Không chủ quan để đón Tết an toàn
Về quê đón Tết, sum họp gia đình là nét văn hóa truyền thống và là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, chúng ta cần lựa chọn những biện pháp để có được một cái Tết đầm ấm và an toàn.
Với tỷ lệ bao phủ cao vaccine phòng Covid-19 như hiện nay, số ca bệnh nặng, số ca tử vong đã giảm đi rất nhiều, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người dân chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Người dân cần hạn chế việc đi lại không cần thiết, không tập trung đông người và hạn chế những cuộc liên hoan, tất niên.
Phạm Sỹ (ghi)