Hành vi tham nhũng hiện được đánh giá là diễn biến phức tạp, nhưng các vụ việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, việc thu hồi tài sản do tham nhũng chưa làm tốt; việc kê khai tài sản hiện nay nặng về hình thức. Đây là những đánh giá, nhận định của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/3.
Ảnh minh họa.
Khó thu hồi tài sản tham nhũng
Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp ít xảy ra tham nhũng. Qua công tác tự kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện và xử lý 22 trường hợp; trong giai đoạn 2005 – 2015, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành 33 quyết định thu hồi tiền với tổng số tiền thu hồi là 1,5 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, các cơ quan thi hành án đã thụ lý 733 vụ việc, trong đó thi hành xong 606/733 vụ, với tổng số tiền đã thi hành xong hơn 11.613 tỷ đồng. Kết quả thu hồi tài sản cho Nhà nước và khắc phục thiệt hại do tham nhũng cho thấy, việc thi hành án trong các vụ án tham nhũng có xu hướng tăng, nếu năm 2006 là 107 vụ việc thì đến năm 2015 là 227 vụ việc.
Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, ông Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính cho biết, công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong thi hành án dân sự còn gặp khó khăn, vướng mắc do tài sản đảm bảo thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án; khó có thể xác minh được thêm tài sản hoặc nguồn thu nhập khác ngoài các tài sản đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên vì đối tượng phạm tội tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản trong khi quyền hạn của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự thì có giới hạn...
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, quyền Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Diện thẳng thắn cho rằng “Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp do quy định pháp luật hiện nay chưa cụ thể; tư tưởng thờ ơ, xem nhẹ vai trò, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng; cho rằng việc phòng, chống tham nhũng chỉ là khẩu hiệu mang tính hình thức”.
Sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng
Một trong những đề xuất quan trọng được các đại biểu thảo luận là sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó, tập trung vào các định hướng lớn như mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả các chủ thể ở khu vực nhà nước, ngoài nhà nước; quy định rõ về nguyên tắc công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước; bổ sung các yêu cầu về nội dung, hình thức, thời kỳ và thời gian thực hiện công khai, minh bạch theo từng hình thức cụ thể nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân…; tăng cường trách nhiệm giải trình; mở rộng khái niệm quà tặng…; hoàn thiện quy định về bảo vệ người tố cáo, người cung cấp thông tin về vụ việc tham nhũng.
Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Diện cũng cho rằng: “Luật hiện hành cần sửa đổi, bổ sung, mở rộng khái niệm quà tặng bao gồm cả lợi ích vật chất và các lợi ích khác; quy định rõ về định mức quà tặng tối đa; trách nhiệm kê khai, thông báo về việc nhận quà; việc tiếp nhận, xử lý thông tin về việc tặng quà và nhận quà...” – ông Nguyễn Hồng Diện kiến nghị.
Cùng với sửa đổi, bổ sung luật hiện hành, cần rà soát kịp thời, kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới phòng, chống tham nhũng, tạo tính đồng bộ, thống nhất trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng.