Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri vừa được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) gửi đến Quốc hội, VKSNDTC cho biết, cử tri bày tỏ lo ngại rằng quy định hiện nay về xem xét xử lý trách nhiệm hình sự các tổ chức, cá nhân sử dụng chất nổ là bất hợp lý. Cụ thể, theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân sử dụng chất nổ đến 1kg/lần sử dụng trở lên mới bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, quy định như trên là không phù hợp và đề nghị Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao và VKSNDTC nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7/1/1995 theo hướng không quy định cụ thể số lượng chất nổ được sử dụng, mà chỉ quy định theo tính chất nguy hiểm, mức gây thiệt hại đến môi trường tự nhiên hay vi phạm nhiều lần là đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
VKSNDTC ghi nhận ý kiến này và cho biết sẽ lưu ý kiến nghị của cử tri trong quá trình phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về vấn đề này.
Giải trình thêm, VKSNDTC cho biết, Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 7/1/1995 đã định lượng cụ thể đối với hành vi sử dụng chất nổ để thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn vận dụng tinh thần Thông tư liên ngành số 01/TTLN nêu trên để giải quyết các vụ án quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), do chưa có văn bản thay thế.
Để đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm, bảo đảm tính minh bạch và áp dụng thống nhất, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã cụ thể hóa hầu hết các tình tiết định tính “vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”… bằng các định lượng cụ thể.
Tuy nhiên, đối với tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, do có tính đặc thù không thể bao quát được hết các trường hợp phạm tội, nên BLHS vẫn quy định các tình tiết định tính “các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn, có số lượng rất lớn, có số lượng đặc biệt lớn”. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khẳng định sẽ lưu ý kiến nghị của cử tri “quy định theo tính chất nguy hiểm, mức gây thiệt hại đến môi trường tự nhiên hay vi phạm nhiều lần là đủ yếu tố cấu thành tội phạm” trong quá trình phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về vấn đề này.