Đó là một trong những phản ánh, kiến nghị của đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định tại kỳ họp HĐND tỉnh đang diễn ra. Theo phản ánh, vì quy định này nhiều nơi ở Nam Định không tìm được người làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nam Định khóa 18 khai mạc sáng nay, 8/7.
Sáng 8/7, HĐND tỉnh Nam Định khóa 18 khai mạc kỳ họp thứ 9. Trong báo cáo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2019 tại phiên khai mạc, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã phản ánh nhiều đề xuất, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong tỉnh...
Theo đó, bên cạnh những đánh giá tích cực về những chuyển biến trong đời sống KT-XH của tỉnh; những đổi mới trong hoạt động của HĐND, UBND tỉnh, cử tri và nhân dân Nam Định vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước việc nền kinh tế của tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm; năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao. Thiên tai, biến đổi khí hậu; tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm... vẫn diễn biến phức tạp.
Từ thực tế trên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, cử tri và nhân dân trong tỉnh đề nghị tỉnh có chính sách, cơ chế và chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; trong đó cần hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gia tăng...
Hiện nay nhu cầu nước sạch đang là đòi hỏi vừa cấp bách, vừa lâu dài ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương, một số khu, cụm công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp; vẫn còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của nhân dân. Từ đó, cử tri và nhân dân trong tỉnh đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm, có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả hơn các vấn đền trên.
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với Bộ Nội vụ để bổ sung sửa đổi Điều 10, Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 10/01/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh quy định: Trưởng xóm, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng xóm, Tổ phó tổ dân phố không quá 60 tuổi đối với xã, thị trấn.
“Quy định như vậy là chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cơ sở, nhiều địa phương không tìm được người làm, nên phải sử dụng người 60 đến 70 tuổi còn sức khỏe tốt, nhiệt tình, trách nhiệm, được nhân dân tín nhiệm”, kiến nghị nêu rõ.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét sớm thực hiện khoán quỹ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, bao gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban CTMT ngay sau khi tiến hành sát nhập các thôn xóm và tổ dân phố.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có Nghị quyết về việc cấp kinh phí thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cho MTTQ các cấp trong tỉnh theo Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018).
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đề nghị Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trong tỉnh quan tâm lãnh đạo; các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện hơn nữa để MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ chính trị về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.