Sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đang được Hà Nội tái khởi động. Quy hoạch này được nhìn nhận như một chiếc “chìa khóa vàng” mở cánh cửa ngăn cách giữa nội đô và 2 bên bờ sông. Các công trình hạ tầng hiện đại theo quy hoạch sẽ góp phần tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo đô thị.
Thúc đẩy thu hút đầu tư
TP Hà Nội đang rất quyết tâm đẩy nhanh việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu (QHPK) đô thị sông Hồng, với mong muốn cuối năm 2021, đồ án quy hoạch sẽ được duyệt. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ đem lại sinh kế cho nhân dân, huy động được nguồn lực rất quan trọng về đất đai, cảnh quan, môi trường để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới cho thủ đô Hà Nội.
Giới chuyên gia kinh tế cũng tin rằng, khi được công bố, quy hoạch sẽ là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư, tiến tới hình thành chuỗi đô thị hiện đại, bền vững, để Hà Nội sẽ sớm có tên trong danh sách những thành phố ven sông đáng sống nhất khu vực và cả trên thế giới.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, QHPK đô thị sông Hồng khi được phê duyệt sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng này. Theo đó, QHPK đưa sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô. Giải phóng mặt bằng, thực hiện làm 2 tuyến đường, mỗi tuyến 6 làn xe dọc hai bờ sông Hồng. Cùng với đó là các hạng mục công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí, phát triển du lịch.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra đối với Hà Nội là nhanh chóng có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Việc này có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc sử dụng đất cho phát triển đô thị một cách hợp lý mà còn để lập lại trật tự tại khu vực bãi sông vốn đang phát triển tự phát, lộn xộn, chủ yếu nhà được xây dựng quay lưng vào sông Hồng.
KTS Phạm Thanh Tùng, Ủy viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng Trung ương Hội KTS Việt Nam cho rằng đô thị sông Hồng là đồ án quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cơ sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông… Vì vậy, một quy hoạch chi tiết với thiết kế đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có bản sắc văn hóa cùng những chính sách phát triển minh bạch, tạo điều kiện trong đấu thầu sử dụng đất, trong đầu tư phát triển bất động sản, thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế...
Quan trọng phải được lòng dân
Các chuyên gia nhận định, những xung lực tích cực cho phát triển kinh tế của Hà Nội không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên và vị thế Thủ đô mà còn đến từ việc xây dựng, triển khai quy hoạch. Quy hoạch đô thị sông Hồng được cho là “chìa khóa vàng” mở cửa khai thông phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland cũng cho rằng, trong quy hoạch đô thị sông Hồng, yếu tố nền tảng cốt lõi vững chắc nhất chính là hạ tầng giao thông. Theo quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có 10 cây cầu được xây mới và bổ sung qua sông Hồng, trong đó cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được triển khai sẽ mở thêm 4 làn lưu thông, tăng gấp đôi lưu lượng giao thông; cầu Trần Hưng Đạo nối từ quận Long Biên sang trung tâm Hoàn Kiếm cũng vừa được phê duyệt phương án thiết kế. Kết hợp với nút giao thông Cổ Linh hiện đại đã thông tuyến với 4 tầng xe chạy, 6 đường dẫn kết nối thuận lợi các tuyến lưu thông huyết mạch Vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh Trì, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, khơi thông việc di chuyển vào nội đô, góp phần giảm thiểu ùn tắc và phát triển kinh tế xã hội.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: Từ khi Hà Nội được mở rộng địa giới vào năm 2008 thì trục sông Hồng đã được nâng tầm lên thành trục cảnh quan trung tâm thành phố. Trước đó vào năm 1994 Hà Nội cũng đã từng có một quy hoạch về phân khu sông Hồng nhưng không được phê duyệt, sau đó là bản nghiệm thu quy hoạch được phối hợp thực hiện giữa Hà Nội và Seul – Hàn Quốc. Nhưng lần này, quy hoạch phân khu sông Hồng còn liên quan vùng, liên quan đến hành lang thoát lũ nên bắt buộc phải có ý kiến các bộ, ngành liên quan, và ý kiến chuyên gia để có những điều chỉnh thích hợp.
Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Dự thảo đồ án QHPK đô thị hai bên sông Hồng được xem là mốc lịch sử quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ thành phố hai bên bờ sông Hồng. Đây cũng là cơ hội để hình thành diện mạo mới cho Thủ đô, là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế. Khi có quy hoạch chắc chắn sẽ thu hút được đầu tư, vì hiện còn dư địa để phát triển đô thị, phát triển các dự án bất động sản lớn. Đặc biệt, hai bên bờ sông Hồng cũng có những hành lang dài, bãi đất trống có thể thực hiện không gian xanh.
Để Hà Nội sớm trở thành thành phố ven sông đáng sống, hiện thực hóa giấc mơ thành phố bên sông Hồng, theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cần sớm phê duyệt QHPK bởi còn rất nhiều bước phải triển khai sau đó thì mới hiện thực được. QHPK đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý phục vụ quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch. Song hiện nay vấn đề lớn nhất là nguồn lực. Muốn thu hút nhà đầu tư tham gia thì phải chỉ ra được vị trí quỹ đất, đảm bảo cho nhà đầu tư có thể sinh lời và thu hồi vốn.
Sau khi Hà Nội mở rộng vào năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa lớn của Thủ đô.