Đó là vấn đề đang được đặt ra tại hội thảo dự kiến đề cập quan điểm định hướng, các giải pháp hoàn thiện công cụ kinh tế thúc đẩy chuyển dịch đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 8/8.
Đề cập đến đổi mới cơ chế chuyển dịch đất đai phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đổi mới mô hình tăng trưởng là một yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Do đó, việc đổi mới chính sách hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp cần có chính sách ưu đãi về nghĩa vụ tài chính, cũng như đơn giản hóa thủ tục hành chính về giao dịch đất nông nghiệp đối với khu vực nông thôn nhằm phát triển thị trường chính thức về quyền sử dụng đất đai và hạn chế thị trường phi chính thức. Từ đó đảm bảo được giao dịch về quyền sử dụng đất của nông dân không bị rủi ro, nhất là trong tham gia vào các quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.
Điều được ông Võ lưu ý là cần nghiên cứu để hoàn thiện thị trường sơ cấp về quyền sử dụng đất giữa Nhà nước và những người sử dụng đất theo hướng Nhà nước không chỉ thu hồi đất mà có những quyền phù hợp hơn với cơ chế thị trường như quyền thuê đất của hộ gia đình, cá nhân.
Để đảm bảo việc giám sát hiệu quả, cần áp dụng cơ chế quản trị tốt trong quản lý thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp dựa trên các nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến lợi ích của người dân.
Liên quan đến vấn đề hoàn thiện thể chế để thúc đẩy lưu chuyển có hiệu quả đất đai trong kinh tế thị trường ở nước ta trong giai đoạn mới, theo PGS.TS. Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, hệ thống pháp luật đất đai tuy đã được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên nhưng thực tiễn cho thấy có một số nội dung pháp luật về đất đai chưa có quy định điều chỉnh.
Nhấn mạnh đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất liên quan trực tiếp đến đất đai người dân đang sử dụng hợp pháp, đến lợi ích của người dân và cộng đồng dân cư, từ đó theo ông Toản quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được triển khai công khai minh bạch, phải lấy ý kiến của người dân,tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành, tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch. Đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, và những chính sách cụ thể hóa Luật Đất đai, nhất là các quy định liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà nước và các chủ thể sử dụng đất.
Trong khi đó, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quá trình phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa thì việc thu hồi đất để xây dựng khu đô thị, phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế-xã hội là một việc làm rất cần thiết, sẽ làm tăng thêm giá trị của đất mang lại lợi ích đối với Nhà nước, nhà đầu tư và người nông dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, những chuyển dịch đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất đã và đang tác động rất lớn đến người nông dân. Do đó theo bà Nhung, cần tiếp tục giải quyết, sửa đổi các văn bản quy phạm để thúc đẩy chuyển dịch đất đai và bảo vệ quyền của người dân bị thu hồi đất một cách cụ thể, kịp thời, góp phần ổn định trật tự xã hội. Muốn vậy, các luật có liên quan đến Luật Đất đai như: Luật Khiếu nại, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản cũng cần được rà soát, sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất trong việc thực thi Luật Đất đai nhằm khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất.