Chính trị

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Cần nhiều đổi mới cùng tư duy sáng tạo

H.Vũ 21/06/2024 08:34

Ngày 20/6, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

anh-bai-trang-2.jpg
Quang cảnh phiên họp Quốc hội, sáng 20/6. Ảnh: Quang Vinh.

Giải quyết ô nhiễm, cháy nổ, nhà ống

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đồng tình với các định hướng, giải pháp thành phố đưa ra trong cải tạo chung cư cũ, đặc biệt cấp thiết trong tình hình cháy nổ đang xảy ra hết sức nghiêm trọng hiện nay, hay giải quyết các dòng sông ô nhiễm, các vấn đề về rác thải, nước thải.

Ông Trí đề nghị, vấn đề quy hoạch lại thành phố cần chú ý phải có đường rộng để đi, có đường thoát khi có sự cố cháy nổ. Phải giảm và tiến đến không còn nhà ống tại Hà Nội và việc này phải bàn với dân để tìm sự đồng thuận cao. “Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống và để lại tình trạng đến bây giờ rất khó để xử lý, sửa chữa, nhân đợt này cần hạn chế dần, không có mới và quy hoạch lại để thay đổi” - ông Trí nói.

Về đường trên cao, ông Trí cho rằng, chỉ phát triển ở ngoài, còn trong phố nơi đông đúc hạn chế tối đa. Phố cổ thì không nên làm đường cao tầng, kể cả những phố rất đẹp cũng không nên làm đường cao tầng vì sẽ ngăn cản tầm nhìn và làm xấu thành phố. Về quy hoạch hệ thống y tế, cần phải thấy quy hoạch không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà đây là quy hoạch cho một miền, thậm chí cả một quốc gia, vì hầu hết các bệnh viện lớn, đầu ngành đều đang tập trung ở Hà Nội. Các bệnh viện lớn, đặc biệt là chuyên khoa nên tập trung cao độ, thậm chí nên có những trung tâm y khoa, trong đó có các viện chuyên khoa để phối hợp với nhau. Các bệnh viện đa khoa dưới 500 giường phải có ở các quận, huyện. Các phòng khám đa khoa phải có ở khắp các khu dân cư và càng gần dân càng tốt, tạo nên một hệ thống phục vụ trực tiếp cho dân, khi ốm đau dù nhỏ đến mấy lúc cần chỉ khoảng 15 phút là đến nơi.

Về giao thông cần chú ý phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (nghĩa là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán) nhất là ngoại vi, kết nối vùng miền cả nước với tất cả các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không...

Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc), hiện tại điều chỉnh quy hoạch được lập theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để thay thế Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Do vậy, đề nghị tư vấn thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát vào Quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để không xảy ra tình trạng quy hoạch chung mới được điều chỉnh lại phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Về đồ án điều chỉnh quy hoạch là áp dụng mô hình “thành phố trong Thủ đô”, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) mong muốn “Thủ đô Hà Nội trong thành phố Hà Nội”. Theo đó, nên chăng các quận nội thành là “Thủ đô Hà Nội”. Còn Hà Nội là “thành phố Hà Nội gồm Thủ đô Hà Nội và các các khu vực khác”. Vì như vậy nhà nước mới có nguồn lực để tập trung vào Thủ đô. “Hà Nội bây giờ là 12 triệu dân, đến 2030 là 17-18 triệu dân. Chúng ta nên như thế vì việc này các nước đã làm” - ông Thân nói và cho rằng nội đô có thể có từ 4-6 quận.

“Bây giờ ở nội thành xây những tòa nhà cao tầng là không được vì rất nguy hiểm. Không thể để nhà cao tầng ở nội đô. Do đó mong muốn Quốc hội, Đảng và Nhà nước nên nghiên cứu quan điểm Thủ đô Hà Nội nằm trong thành phố Hà Nội” - ông Thân nói.

Gỡ 3 nút thắt

Là người tham gia vào quá trình xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu 3 vấn đề cần quan tâm. Theo đó, phải tập trung giải quyết vấn đề nút thắt lớn nhất của Thủ đô Hà Nội hiện nay là vấn đề giao thông ùn tắc. Trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị như trong đề án vạch ra thành một hệ thống mạng lưới đường sắt đủ khả năng kết nối giao thông phục vụ người dân.

Ông Cường phân tích: Khi đó sẽ tự động thay thế được các phương tiện giao thông cá nhân. Những vấn đề về ùn tắc hay ô nhiễm môi trường hiện nay sẽ được giải quyết thông qua việc phát triển hệ thống đường sắt, kết nối với các vùng ngoại thành; tự động sẽ giãn các hoạt động kinh tế đang tập trung ở nội đô, phát triển ở những vùng đô thị mới, đặc biệt là hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam. Như vậy sẽ biến các tỉnh, các đô thị đó gần như là những đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển, đồng thời cũng phân tán sự tập trung.

Khi đã có được một hệ thống đường sắt như thế, tự động những khu vực đô thị hiện nay đang có khu chung cư cũ, những khu nhà thấp tầng lụp xụp hoàn toàn có thể xây dựng nên những mô hình đô thị hiện đại. Phát triển hệ thống không gian ngầm bên dưới trở thành một khu thương mại dịch vụ. Nó như là những khu phố ngầm và trên mặt đất trở thành không gian trống để phát triển cây xanh, phát triển dịch vụ công cộng- đấy mới là hình ảnh của đô thị văn minh, hiện đại.

Thứ hai, theo ông Cường phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa và xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải từ sinh hoạt thành phố ra hệ thống môi trường là nước sạch, không có ô nhiễm nữa. Việc này đồng thời với việc cần phải triển khai ngay xây dựng 2 đập tràn dâng nước ở trên sông Hồng và trên sông Đuống. Khi xây dựng 2 đập này, mặt nước sông Hồng vào mùa cạn sẽ dâng cao lên và sẽ đẩy nước vào các sông như sông Đáy, sông Nhuệ, hệ thống sông Bắc Hưng Hải và tự động làm dòng sông này “hồi sinh”, không còn hạn hán như hiện nay.

Đặc biệt ý nghĩa rất lớn là có hệ thống đập dâng nước này thì hàng năm sẽ tiết kiệm khoảng 5 tỷ m3 nước của các hồ như hồ Hòa Bình không phải xả nước vào mùa cạn; lợi ích rất lớn là có nước cho sản xuất của cả khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng, không thiếu nguồn nước phát điện và mặt sông của khu vực Hà Nội trở thành một mặt hồ tràn. Khi đó chúng ta xây dựng 2 con đường di sản hai bên sông như quy hoạch. Nó sẽ trở thành một không gian cho du lịch, không gian văn hóa, không gian để tổ chức những các hoạt động thương mại, dịch vụ ở bên sông.

Thứ ba, theo ông Cường cần phải có một cơ chế để hỗ trợ cho người dân ở khu vực phố cổ. Chúng ta muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này thì phải hỗ trợ cho họ về nơi ở và phải thực hiện cơ chế là không thu hồi nhà của những người dân này dù họ được hỗ trợ về chỗ ở. Nếu được hỗ trợ như thế thì những người dân sẽ dành không gian này trở thành không gian kinh doanh dịch vụ, thương mại. Tài sản vẫn của họ. Họ có thể tự sản xuất, kinh doanh, hoặc cho những nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo trở thành những nơi lưu trú, trở thành những nơi để kinh doanh thương mại. Như vậy sẽ phát triển được một không gian về kinh tế đêm cho Hà Nội, không phải chỉ quanh khu vực Bờ Hồ như hiện nay mà cả khu vực phố cổ, Hồ Tây, sông Hồng đều trở thành một không gian phát triển du lịch và kinh tế đêm. “Đó sẽ là những điểm tạo ra được động lực phát triển rất lớn của Thủ đô” - ông Cường nói.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục ô nhiễm môi trường trong không khí, môi trường nước cũng như các vấn đề ô nhiễm môi trường khác ở Thủ đô bằng việc thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển xanh, chuyển đổi xanh, giảm thiểu các nguồn ô nhiễm như chuyển đổi hình thức giao thông công cộng, chuyển đổi công nghệ sản xuất cũng như cho công nghệ xử lý rác thải, nước thải đầu tư cho Thủ đô theo từng giai đoạn.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, định hướng phát triển thành phố quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, cần giải quyết được các vấn đề về môi trường nước, trong đó, có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội. Quy hoạch có nhiều điểm khác biệt so với một số quy hoạch khác, đã chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, về di sản, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước, là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo và phát huy được các tiềm năng con người, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

THÔNG CÁO SỐ 23 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Ngày 20/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 21. Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Theo VPQH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: Cần nhiều đổi mới cùng tư duy sáng tạo