Mới đây, tại Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh cần “nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn” khi triển khai Quy hoạch.
Thủ tướng khẳng định, việc công bố Quy hoạch TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng để các nhà đầu tư, đối tác có cơ sở nghiên cứu, thúc đẩy và mở rộng đầu tư, với định hướng, ưu tiên phát triển đến năm 2050 thành phố trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.
Theo Quy hoạch, TPHCM hình thành và phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm, trong đó khu vực đô thị trung tâm (16 quận nội thành) giữ vai trò là hạt nhân, đầu não và động lực tăng trưởng của toàn thành phố; thành phố Thủ Đức trực thuộc TPHCM giữ vai trò là cực tăng trưởng mới; sắp xếp khu vực ngoại thành (5 huyện) trên cơ sở hình thành 5 đô thị vệ tinh đến năm 2030 và 4 đô thị vệ tinh tầm nhìn đến năm 2050, là những đô thị trực thuộc TPHCM.
Với tầm nhìn chiến lược và mục tiêu rất cao thì công tác quy hoạch có vai trò cực kỳ quan trọng, tạo ra những cơ hội mới, giá trị mới, tác động lâu dài, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển.
Thực tế đã cho thấy, quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho sự phát triển, giúp phát triển đúng hướng, nhanh, bền vững, toàn diện. Tuy nhiên cùng với chuẩn quy hoạch thì rất quan trọng là tổ chức thực hiện để biến tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trở thành của cải vật chất chung.
Thời gian qua, cho dù công tác quy hoạch luôn được đặt ra nhưng việc thực hiện trong nhiều trường hợp đã không như kỳ vọng. Điều đó có thể thấy rõ ở Thủ đô Hà Nội, TPHCM cũng như một số địa phương khác, khi mà quy hoạch “bỗng nhiên” bị điều chỉnh, kể cả quy hoạch lại, mặt khác lại rất chậm chạp trong triển khai thực hiện, dẫn đến lãng phí, tiêu cực. Tại nhiều khu chung cư, khu đô thị mới, quy hoạch không làm rõ diện tích đất buộc chủ đầu tư phải bảo đảm xây dựng các công trình thiết yếu như trường học, không gian sử dụng chung... Việc kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm không nghiêm của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã khiến quy hoạch bị biến dạng, dẫn tới các khối nhà cao tầng chen chúc, không gian sống, sinh hoạt chung của người dân bị thu hẹp, ảnh hưởng lâu dài.
Cũng do chạy theo lợi nhuận nên hệ thống giao thông nội bộ bị thu hẹp, kể cả giao thông tĩnh. Các công trình công cộng như vườn hoa, sân chơi... gần như bị “đưa ra khỏi quy hoạch”. Dẫn tới việc khu dân cư thì mới nhưng không đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống văn minh, hiện đại không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài.
Đó là chỉ ở một khu, phạm vi hẹp, còn thì sự nối kết, phù hợp, hài hòa trong một không gian rộng lớn hơn mang tính liên kết lại càng đòi hỏi cao hơn về mặt quy hoạch và tuân thủ quy hoạch.
Trong quá trình phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ thì công tác quy hoạch càng phải được đặt ra cấp thiết, không manh mún, cục bộ mà phải có tầm nhìn xa trông rộng. Vì thế việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đem tới nhiều kỳ vọng không chỉ với riêng TPHCM mà với đất nước nói chung. Quá trình đó, theo Thủ tướng là phải “nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn” khi triển khai quy hoạch; phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Đó cũng chính là cơ hội để vươn mình. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch quy hoạch, để người dân, nhà đầu tư có thể hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch, loại bỏ quy hoạch treo.