Tuần qua, những việc tưởng đã cũ nhưng khi được sới lên, người ta bỗng lại thấy như mới hoàn toàn. Trong đó có việc quy hoạch chồng chéo, phân tán dẫn đến lãng phí và việc ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn.
Ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM, bài toán chưa có lời giải.
1. Ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.
Quy hoạch đối với bất cứ ngành nào, địa phương nào, thậm chí với bất cứ quốc gia nào cũng đương nhiên phải có. Vấn đề “có” như thế nào mà thôi.
Tại phiên họp, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật Quy hoạch ra đời phải khắc phục cho được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí. Không thể để tồn tại việc ngành ngành quy hoạch, mỗi tỉnh quy hoạch mà không liên kết với nhau. Từ đó dẫn đến việc chia cắt không gian hành chính của tỉnh, của vùng.
Một việc tưởng như đương nhiên phải có, phải đúng nhưng khi đem ra bàn bạc lại nhận được nhiều ý kiến không thống nhất. Đáng tiếc lại là những ý kiến chê. Các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có ý kiến riêng, trong đó có những điểm không đồng nhất với Dự thảo Luật. Chính vì thế mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Chính phủ trình ra Quốc hội rồi mà các bộ ngành lại nói trái là không đúng nguyên tắc. “Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội tôi đã trực tiếp báo cáo giải trình, ĐBQH, dư luận đồng tình đánh giá cao. Tôi không nghĩ các bộ ngành nói ngược lại như thế”- ông Dũng nói.
Cái sự không thống nhất chính là các bộ, ngành và địa phương cảm thấy nếu Luật được thông qua sẽ làm khó cho mình, không nhiều thì ít. Đó chính là suy nghĩ cục bộ, không đứng trên đại cục mà xuất phát từ lợi ích cụ thể, cận kề của ngành mình, địa phương mình. Đây chính là căn nguyên của tình trạng quy hoạch có quá nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết suốt thời gian qua. Ngành ngành làm quy hoạch, tỉnh tỉnh làm quy hoạch- đều chỉ từ thực tế của chính mình mà không có cái nhìn tổng thể, không đặt lợi ích cục bộ vào lợi ích chung nên tất yếu dẫn đến sự manh mún, chắp vá.
Việc tắc đường đối với Hà Nội và TP HCM với nhiều người đã là “đương nhiên”. Không tắc mới lạ. Những buổi sáng lễ Tết, ra đường thấy thưa người quá, không ùn tắc thì lấy làm ngạc nhiên. |
Có lẽ vì thế mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có sự không thống nhất là do Luật sẽ đụng chạm đến một cơ quan, hoặc một nhóm người nào đó. Do lo ngại đụng chạm lợi ích sát sườn nên ngại thay đổi, không muốn thay đổi. Nếu thế thì đất nước không tốt hơn lên được.
Người ta hay nói đến tầm nhìn, nhưng nếu chỉ vì quyền lợi cục bộ thì tầm nhìn có sáng suốt, có rộng dài bao nhiêu đi nữa cũng sẽ không hiệu quả. Cũng chính từ đó mà những năm qua xuất hiện quá nhiều dự án sân bay, dự án cảng biển; xuất hiện quá nhiều nhà máy xi măng, đó là chưa kể tỉnh nào cũng có nhà máy bia, có tỉnh cấp huyện cũng có nhà máy bia- rượu. Sân Golf cũng mọc lên như nấm, tới độ thiên hạ ngán ngẩm khi cho rằng không khác gì chuyện “phổ cập” môn quần vợt cho người dân.
Ngay đến chuyện nông nghiệp, vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, là “vịnh tránh bão” khi nền kinh tế gặp khó khăn; vậy nhưng việc quy hoạch cũng có vấn đề. Cái việc “trồng cây gì, nuôi con gì” nghe thì đơn giản nhưng vẫn nảy sinh bất cập. Do xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới (về số lượng), nên việc quyết giữ diện tích trồng lúa đã cản trở sự đa dạng hóa của nông nghiệp nước nhà. Đã vậy, việc nuôi cá tra, cá ba sa, nuôi tôm..., kể cả nuôi cá sấu lại bùng phát, thiếu quy hoạch theo kiểu hễ thấy lợi là bung ra. Cho nên mới dẫn đến chuyện dư thừa, ế ẩm, rớt giá. Mấy năm qua, hễ tới mùa thu hoạch, người trồng thanh long, trồng dưa hấu lại nhìn ruộng mà khóc ròng. Rồi thì thương lái quay mặt, Nhà nước phải xây kho tạm trữ, phải trợ giá lúa. Lỗi từ đâu, nếu không phải là do quy hoạch?
Việc đô thị hóa quá dữ dội, thiếu quy hoạch cũng lại là một vấn nạn. Phố tiến về làng quá nhanh, khiến người nông dân trở tay không kịp. Đang là nông dân bỗng chốc trở thành thị dân- thay đổi quá đột ngột khiến người ta trở tay không kịp, ngơ ngác trước thời cuộc. Không kể có những người bị sóng đời vùi lấp. Còn trong lòng đô thị, những nơi đắc địa thì xây hàng loạt nhà cao tầng, khiến đất nền bị lún, nguồn nước ngầm bị phá hủy, giao thông ùn ứ. Không lẽ xây lên rồi lại đập bỏ?
Nói về việc mạnh ai nấy quy hoạch, ông Nguyễn Hạnh Phúc- Tổng Thư ký Quốc hội nói, cần phải có quy hoạch mang tính chất tổng thể quốc gia. Đất nước nào cũng thế thôi, cần có cái lớn dựa vào đó để làm. Đây là cái cực kỳ quan trọng, nhưng quy hoạch lớn lại chưa có mà quy hoạch vùng lại có rồi. Phải làm sao đó để quy hoạch không bị phá vỡ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, quy hoạch tổng thể quốc gia như một người nhạc trưởng, tất cả quy hoạch khác đều phải nằm dưới sự điều hành của vị nhạc trưởng này thì mới thành công được. Đến giờ này Bộ này Bộ kia còn ý kiến là không được. Ví dụ như Bộ Giao thông vận tải, quy hoạch của anh cũng mang tính chất quốc gia rồi, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thế, nhưng khi quy hoạch ngành chi tiết thế nào thì phải thống nhất.
Sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 1 ngày, ngày 11/1 tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vấn đề quy hoạch lại một lần nữa được đặt ra.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không thể vì lợi ích cục bộ mà cản trở việc chung. Theo Thủ tướng, lập quy hoạch không thể chỉ khép kín trong nội bộ. Việc lập quy hoạch phải xóa lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và những doanh nghiệp thân hữu. Ông chỉ rõ, lập quy hoạch, kế hoạch chắc chắn có va chạm. Vì vậy cần có dũng khí trong vấn đề này.
Lập quy hoạch “phải có dũng khí”- nhấn mạnh của người đứng đầu Chính phủ cho thấy đây quả là vấn đề không đơn giản. Nhưng càng như vậy lại càng phải kiên quyết, mà trước tiên và sau cùng phải là đứng trên quyền lợi chung, dám dũng cảm cắt bỏ quyền lợi riêng. “Xóa lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và những doanh nghiệp thân hữu”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát triển quá mạnh, thiếu kế hoạch cụ thể và quy hoạch vùng,
có những thời điểm cá tra ế ẩm, rớt giá.
Lập quy hoạch phải có dũng khí, phải là đứng trên quyền lợi chung, dám dũng cảm cắt bỏ quyền lợi riêng. Xóa lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và những doanh nghiệp thân hữu- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ngày 11/1. |
2. Một vấn đề nữa cũng được dư luận hết sức quan tâm, cho dù đó chỉ là “chuyện riêng” của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đó là chuyện ùn tắc giao thông.
Đây được coi là căn bệnh kinh niên của hai đô thị này. Việc tắc đường đối với Hà Nội và TP HCM với nhiều người đã là “đương nhiên”. Không tắc mới lạ. Những buổi sáng lễ Tết, ra đường thấy thưa người quá, không ùn tắc thì lấy làm ngạc nhiên.
Với TP HCM, những hôm bị triều cường tấn công, mới thấy nạn ùn tắc giao thông nội đô ghê gớm đến mức nào. Từng đoàn người lẫn xe cộ kéo dài, “lặng câm” vài cây số. Nhìn thấy nhà rồi mà không làm sao tiến lên để vào nhà. Đặc biệt quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nạn ùn tắc đã trở nên dữ dội. Đến nỗi mới đây, người ta đã đề xuất việc làm cầu treo cho khu vực này. Nhưng làm cầu treo đâu có nhanh, đâu có dễ; trong lúc thi công thì đi đứng làm sao. Khó vẫn hoàn khó!
Còn với Hà Nội, mấy ngày vừa rồi trời rét lại mưa rả rích, nhiều con đường chật như nêm người. Nhích dần, nhích dần trong cái rét ngấm vào da thịt, khổ biết cỡ nào.
Cũng vì vậy mà mới đây (ngày 12/1), Hà Nội đã “treo giải” cho đề án giải quyết ùn tắc giao thông. Giải thưởng rất cao: 200.000 USD cho đề án giải nhất; 100.000 USD cho đề án giải nhì. Đây được coi là giải thưởng danh giá khi Chủ tịch UBND thành phố làm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển, Phó chủ tịch làm Phó ban và 14 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của Hà Nội, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Ủy ban ATGT Quốc gia, tổ chức JICA (Nhật Bản) và một số nhà khoa học, chuyên gia tham gia.
Tuy nhiên, dư luận băn khoăn khi việc thi tuyển hạn chế, thông qua việc tuyển chọn năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm và uy tín. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký lại quá gấp (từ 19/1 đến 23/1/2017. Các phương án dự thi phải nộp trước 17h ngày 27/4/2017). Đáng chú ý, nội dung các ý tưởng phải giải quyết được 12 vấn đề về tổ chức giao thông, chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội, trong đó có tổ chức giao thông liên vùng, ứng dụng giao thông thông minh và các giải pháp quản lý phương tiện cá nhân.
Như vậy, việc “khoanh vùng” đối tượng tham gia vẫn là dân chuyên nghiệp, mà nói như dư luận thì trước tới nay vẫn là dân chuyên nghiệp làm nhưng vẫn ngày một ùn tắc đó thôi.
Vì thế, câu chuyện ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP HCM vẫn là bài toán thật sự nan giải!