Theo Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, bản Quy hoạch vùng ĐBSCL có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng, để làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác..
Ngày 26/11, tại TP Cần Thơ, Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức Hội nghị “Báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo bộ, ngành, Trung ương, lãnh đạo Tỉnh, Thành ủy, UBND và đại diện các sở, ban, ngành 13 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
Tại đây, các đại biểu được giới thiệu nội dung chính của bản quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng nhau thảo luận, trao đổi thẳng thắn, phân tích đánh giá một cách khoa học, khách quan về thực trạng tình hình, cơ hội thuận lợi, khó khăn thách thức, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp hiệu quả cho dự thảo quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng của vùng ĐBSCL trong giai đoạn dài hạn.
Theo Bộ KH&ĐT, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nguyên tắc “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển và bảo vệ môi trường”. Trọng tâm với những điểm nhấn chính như Quy hoạch hướng tới sự phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho sự tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”;
Quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng tiểu vùng. Phát triển vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và chuỗi đô thị động lực…;
Xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng gắn với các trung tâm đầu mối, bảo tồn tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng, ưu tiên phát triển mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực của vùng…;
Tập trung phát triển hạ tầng trước để tạo nền tảng cho sự phát triển theo hướng ổn định và bền vững của vùng, ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng bên cạnh việc cải thiện hạ tầng cấp nước theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên…;
Khoanh vùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản văn hóa, tín ngưỡng và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái môi trường, tái tạo hệ thống rừng ngập mặn kết hợp phát triển rừng ngập mặn ven biển…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức thiết lập theo cách tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.
“Dự thảo Quy hoạch cần được tham vấn sâu, toàn diện hơn cả về mặt khoa học, thực tiễn, hội tụ sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các địa phương trong vùng, các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm chính trị của cả Trung ương và Đảng bộ, chính quyền địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Với mong muốn xây dựng bản quy hoạch có chất lượng cao, phấn đấu trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng, để làm kinh nghiệm cho các quy hoạch vùng khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các vị đại biểu tích cực tham gia thảo luận, cho ý kiến để làm rõ hơn, khả thi hơn các nội dung của dự thảo Quy hoạch, trong đó tập trung thể hiện cho được các quan điểm mang tính cốt lõi của Quy hoạch vùng ĐBSCL.
“Tôi tin tưởng rằng, tại Hội nghị này, chúng ta cùng nhau thảo luận, trao đổi thẳng thắn, phân tích đánh giá một cách khoa học, khách quan về thực trạng tình hình, cơ hội thuận lợi, khó khăn thách thức, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp hiệu quả cho dự thảo quy hoạch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng của vùng ĐBSCL“, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, Quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch cấp vùng tuân thủ theo luật quy hoạch số 21/2017/QH14. Thực hiện theo luật quy hoạch số 21 và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ KH&ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi được phê duyệt, Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ là cơ sở định hướng để các địa phương triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, đô thị…
Từ đó sẽ góp phần nâng cao vai trò quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác; điều phối liên kết vùng, tạo cơ sở cho việc định hướng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng dùng chung của vùng, hoặc công trình có phạm vi ảnh hưởng liên vùng, quốc gia và quốc tế.
Đồng thời, quy hoạch này cũng là kênh cung cấp những thông tin định hướng phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tới các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân địa phương để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn vùng.