Quỹ hưu trí bổ sung: Cần cơ chế giám sát

Lê Bảo 09/11/2015 10:30

Quỹ hưu trí bổ sung hiện đang được xem là giải pháp ưu việt nhằm đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động sau khi về hưu. Tuy nhiên, làm thế nào để khuyến khích người sử dụng lao động cũng như tạo lòng tin của người lao động để họ tham gia thì không dễ.

Quỹ hưu trí bổ sung: Cần cơ chế giám sát

Chỉ khi có cơ chết giám sát quỹ chặt chẽ, NLĐ mới yên tâm
tham gia Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Lương hưu tiền tỉ?

Mặc dù vẫn còn khá nhiều tranh cãi xung quanh tính khả thi của Quỹ hưu trí bổ sung, nhưng theo Bộ LĐTB&XH, hiện tuổi thọ của người dân Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng, trong khi đó tuổi về hưu với nữ (55 tuổi), nam (60 tuổi), do đó nếu không có tích lũy thì khi về hưu rất nhiều NLĐ đứng trước nguy cơ nghèo. Chính vì vậy, về trước mắt cũng như lâu dài Quỹ hưu trí bổ sung chính là giải pháp khả thi nhất nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho NLĐ và cũng là cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.

“Nếu chỉ có chế độ hưu trí cơ bản hiện nay, với mức lương hưu khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng sẽ khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên nếu tham gia Quỹ hưu trí bổ sung mức đóng góp từ 5-10% mức thu nhập thực tế hằng tháng của NLĐ và nếu đóng góp trong 15 năm, số tiền người lao động được hưởng từ tài khoản hưu trí bổ sung sau khi về hưu, bình quân có thể lên đến 5,56 triệu đồng/tháng (trong 15 năm)” - ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH ( Bộ LĐTB&XH) nói.

Cũng theo ông Nam về mức hưởng hưu trí hàng tháng hiện có 2 phương án. Phương án thứ nhất: Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng của năm đầu tiên được tính bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 240. Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng của những năm tiếp theo bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động chia cho số tháng được hưởng lương hưu bổ sung còn lại.

Phương án thứ hai: Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng được tính bằng giá trị tài khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động ở thời điểm nghỉ hưu chia cho 240. Mức hưởng lương hưu bổ sung hàng tháng được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, nếu nam giới 40 tuổi, đóng góp 2 triệu đồng/tháng (1 triệu đồng từ DN - 1 triệu đồng từ NLĐ) trong vòng 20 năm, tính cả khoản đầu tư gốc, các khoản thuế được hoãn và miễn, cộng lãi đầu tư, khách hàng sẽ thu về 1,018 tỉ đồng. Còn theo tính toán của các DN bảo hiểm, nếu tính mức lãi suất 8% và tuổi nghỉ hưu là 60, tham gia đóng BH từ năm 25 tuổi với mức đóng 1 triệu đồng/tháng, giá trị tài khoản hưu trí khi nghỉ hưu có thể lên tới hơn 2,3 tỉ đồng; thu nhập hưu trí bổ sung hằng tháng là 22 triệu đồng.

Nhiều băn khoăn về quản lý quỹ

Để khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung và tăng tính hấp dẫn của chính sách, Dự thảo Nghị định quy định thêm một số hình thức đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn, cụ thể: trái phiếu Chính phủ; chứng chỉ quỹ mở trái phiếu; tiền gửi tại các tổ chức tín dụng; các chứng chỉ quỹ mở khác đáp ứng điều kiện do Bộ Tài chính quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu bảo toàn và tăng trưởng quỹ, cũng như hạn chế rủi ro, Dự thảo Nghị định cũng quy định, tỷ trọng giá trị đầu tư vào trái phiếu chính phủ trong tổng giá trị quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung tại mọi thời điểm tối thiểu bằng 50%.

“Khoản tiền lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư sau khi trừ đi chi phí sẽ được phân bổ trở lại vào các tài khoản tiết kiệm cá nhân của NLĐ, từ đó khuyến khích và thu hút NLĐ và người sử dụng lao động tham gia vào chính sách này” – ông Nam cho biết.

Khẳng định sự hình thành Quỹ hưu trí bổ sung rất cần thiết nhất là trong bối cảnh hiện nay song nhiều chuyên gia cho rằng, việc giao Quỹ Hưu trí bổ sung cho doanh nghiệp quản lý liệu có đủ tin cậy. Thực tế tại hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về hưu trí bổ sung nhiều đại biểu cũng băn khoăn và đặt câu hỏi, tại sao không giao cho cơ quan BHXH Việt Nam quản lý mà giao cho doanh nghiệp.

“Các nguyên tắc như hình thức đầu tư quỹ thế nào để tránh rủi ro hay nguyên tắc bảo toàn quỹ đều chưa thấy rõ. Ngay đến tiền bảo hiểm hưu trí bổ sung cũng chưa được làm rõ. Nó sẽ thuộc tài sản của riêng NLĐ hay của người sử dụng lao động. Nếu hoàn toàn là tài sản của NLĐ thì quyền định đoạt tài sản đó như thế nào? Đặc biệt vai trò của Bộ LĐTB&XH cũng như Bộ Tài chính như thế nào trong vấn đề này?”- ông Trương Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ băn khoăn.

Liên quan tới vấn đề này đại diện Bộ LĐTB&XH cho rằng, hiện nay với chức năng, nhiệm vụ của mình cơ quan BHXH Việt Nam rất khó có thể đảm nhận thêm việc quản lý Quỹ hưu trí bổ sung. Hơn nữa đây là loại hình kinh doanh sinh lời nên để các doanh nghiệp quản lý sẽ hiệu quả hơn.

“Doanh nghiệp quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung phối hợp với ngân hàng giám sát định kỳ rà soát quy trình nội bộ về nguyên tắc, phương pháp phân bổ kết quả đầu tư. Đặc biệt doanh nghiệp quản lý Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung phải phân bổ toàn bộ kết quả đầu tư của Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung đến tất cả các tài khoản tiết kiệm cá nhân bảo đảm nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch và theo đúng quy định tại điều lệ Quỹ Bảo hiểm hưu trí bổ sung".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quỹ hưu trí bổ sung: Cần cơ chế giám sát