Trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận ở bang California tiếp tục bùng phát 12/8/2021 sau khi hơn 1.000 tòa nhà bị phá hủy, gần một nửa trong số đó là nhà ở của dân, trong bối cảnh chính quyền bang Montana đã ra lệnh sơ tán khi gió lớn gây cháy lan sang các khu vực hẻo lánh.
Đây chỉ là một trong khoảng 100 đám cháy nguy hiểm đã hoành hành khắp 15 bang, chủ yếu ở miền Tây, nơi mà các vùng đất khô cằn (hậu quả của những trận hạn hán lịch sử) rất dễ bắt lửa.
Len lỏi qua những thân cây khô và bụi cỏ, trận cháy rừng Dixie đã phá hủy ít nhất 1.045 tòa nhà, trong đó gồm 550 nhà ở của cư dân phía Bắc Sierra Nevada. Hình ảnh vệ tinh mới được công bố cho thấy quy mô tàn phá trong một cộng đồng nhỏ tại hạt Greenville đã bị thiêu rụi hoàn toàn vào tuần trước.
Trận cháy rừng Dixie, được đặt tên theo con đường, nơi mà nó bắt đầu vào 14/7/2021. Lực lượng cứu hoả sáng 12/8/2021 đã kịp thời khống chế được 30% diện tích hoả hoạn trong tổng số 783 dặm vuông (2.027 km vuông) bị nuốt chửng, theo Cục Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California. Ít nhất 14.000 ngôi nhà hẻo lánh vẫn đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Dixie là vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử California,có quy mô bằng một nửa thảm hoạ cháy rừng August Complex năm 2020, bùng phát và đe doạ đến 7 quốc gia.
Nguyên nhân của vụ cháy đang được điều tra. Pacific Gas & Electric cho biết có thể mọi thứ bắt nguồn từ một thân cây đổ vào một trong những đường dây điện của công ty.
Các nhà chức trách California đã bắt giữ một người đàn ông vào cuối tuần trước, bị tình nghi cố ý gây hoả hoạn ở các khu rừng hẻo lánh gần phạm vi của đám cháy Dixie.
Nghi phạm 47 tuổi bị buộc tội vứt thuốc lá và que diêm bừa bãi ở hạt Lassen, một trong những khu vực nơi ngọn lửa đang bùng cháy, vào khoảng 20/7/2021.
Ở phía Đông Nam bang Montana, đám cháy Richard Spring bắt đầu từ ngày 12/8/2021 tiếp tục tiến vào các khu vực dân cư thưa thớt, toạ lạc bên trong và xung quanh Khu bảo tồn người da đỏ Bắc Cheyenne, sau khi vài nghìn người được lệnh sơ tán vào đêm 11/8/2021.
Đám cháy bắt đầu bùng phát vào 9/8 khi gió giật mạnh khiến nó lan rộng trên phạm vi hơn 230 dặm vuông (600 km vuông).
Cách thị trấn Lame Deer, nơi đã được sơ tán trước đó, Krystal Two Bulls và vài người bạn đã cố gắng dọn sạch cỏ khô và cành cây rụng sân nhà, hy vọng ngọn lửa sẽ không bén mảng tới.
"Chúng tôi đã gói ghém đồ đạc và đang chất mọi thứ lên xe nên nếu phải rời đi, chúng tôi sẽ sẵn sàng", Two Bull nói. "Tôi không sợ hãi chút nào; tôi đã chuẩn bị tinh thần. Ở đây chúng tôi không trốn chạy hay bỏ rơi ngôi nhà của mình nếu không cần thiết".
Một số người chạy trốn khỏi đám cháy 11/8 có ý định tìm nơi trú ẩn tạm thời ở Lame Deer, và sẽ phải tiếp tục lên đường một lần nữa khi ngọn lửa chỉ còn cách nơi này vài dặm.
Thị trấn Lame Deer có khoảng 2.000 dân cư, là nơi tọa lạc trung tâm sinh sống của người bản địa và một số phân khu và được bao quanh bởi địa hình rừng rậm, hiểm trở. Vào cuối 12/8, trận hỏa hoạn thứ hai đã ập đến Lame Deer từ phía Tây, trong khi đám cháy Richard Spring bùng phát ở phía Đông.
Khoảng 600 người sống bên trong và xung quanh Ashland cũng được lệnh sơ tán. Đây là một thị trấn nhỏ nằm ngay bên ngoài khu bảo tồn với hàng loạt các doanh nghiệp đóng trên con phố chính và được bao quanh bởi đồng cỏ và những cánh rừng thưa thớt.
Đám cháy chỉ còn cách vài dặm và đã nuốt chửng một phân khu bên ngoài thị trấn.
Lực lượng cứu hỏa địa phương, tiểu bang và liên bang đã cùng các chủ trang trại, sử dụng các thiết bị tối ưu nhằm khắc chế những ngọn lửa lây lan xung quanh các ngôi nhà.
Các đợt nắng nóng và hạn hán lịch sử do biến đổi khí hậu đã góp phần khiến các đám cháy rừng trở nên khó dập tắt hơn ở miền Tây nước Mỹ.
Các nhà khoa học chia sẻ rằng biến đổi khí hậu đã làm cho khu vực này trở nên ấm hơn và khô hơn nhiều trong 30 năm qua, tiếp tục quá trình khắc nghiệt hoá thời tiết và những trận cháy rừng lớn sẽ còn xảy ra thường xuyên hơn.
Một số khu vực tại châu Âu cũng đang phải chịu đựng những đám cháy lớn do điều kiện thời tiết khô cằn, nắng nóng gây ra.