Quy trách nhiệm cụ thể 10 bộ, ngành trong phòng, chống rửa tiền

Việt Thắng 07/09/2022 21:09

ĐBQH đề nghị quy định về phong tỏa tài sản tạm thời với đối tượng bị tố giác gian lận để bảo đảm ngăn chặn tẩu tán tài sản.

Chiều 7/9, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đàng, Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bên cạnh việc kế thừa thì Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; tham khảo pháp luật của một số quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các quy định về phòng, chống rửa tiền.

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 Chương, 63 Điều. Dự thảo luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Việc phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Trong đó, đã tiếp thu, làm rõ trong số 23 khuyến nghị, có 4 khuyến nghị cốt lõi liên quan đến Luật Phòng, chống rửa tiền. Đối với các khuyến nghị chưa thể khắc phục do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền sẽ được kiến nghị sửa đổi, bổ sung tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Kinh doanh bất động sản, các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh, phân tích kỹ hơn về tính cấp bách, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét,cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp. Đồng thời, cần nhấn mạnh sự cần thiết và quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với các hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.

Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền, theo ông Thanh, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của 10 Bộ, ngành cụ thể và trách nhiệm của các bộ, ngành khác cũng như Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. “Quy định này là cần thiết để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên một số quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc; trách nhiệm quản lý về phòng chống rửa tiền giữa các bộ, ngành chưa đồng nhất về mặt tiêu chí nội dung hay lĩnh vực; quy định thiếu rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm quản lý, chủ trì, phối hợp”- ông Thanh cho hay.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, cụ thể hóa trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý, giám sát về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF; rà soát, bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc phòng để bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan cũng như nâng cao tính hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền.

ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị, bổ sung các đối tượng báo cáo của luật là những công ty viễn thông đang cung cấp dịch vụ mobile money; xác định rõ các định nghĩa về mối quan hệ về ngân hàng đại lý giữa các ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng, quan hệ đối tác giữa các ngân hàng cũng như các khái niệm về công nghệ mới, khác với công nghệ đang sử dụng về phòng, chống rửa tiền; quy định về phong tỏa tài sản tạm thời với đối tượng bị tố giác gian lận để bảo đảm ngăn chặn tẩu tán tài sản.

Ông Bình cũng cho rằng, cần lược bỏ các quy định yêu cầu các tổ chức báo cáo xác minh danh tính khách hàng; cần quy định rõ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của các giao dịch để đảm bảo xác định đúng đối tượng quản lý, không chỉ đơn thuần là chủ sở hữu mà là người hưởng lợi cuối cùng, cho các ngân hàng truy cập, khai thác cơ sở dữ liệu thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cũng như cần bổ sung hướng dẫn yêu cầu kiểm soát rủi ro đối với bên thứ 3 khi thực hiện nhận biết, xác minh, cập nhật thông tin qua bên thứ 3.

Theo ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh), khi tham gia vào Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức tham gia các định chế về phòng, chống rửa tiền quốc tế, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã khắc phục được rất nhiều lỗ hổng, các quy định của luật hiện hành. Trên cơ sở thể chế hóa các quan điểm mà Việt Nam tham gia Công ước này, dự án luật cơ bản đã có quy định rất chặt chẽ để giúp kiểm soát được dòng tiền ra vào để giải quyết được vấn đề về nghi ngờ về rửa tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy trách nhiệm cụ thể 10 bộ, ngành trong phòng, chống rửa tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO