Quy trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

T.Dương 30/09/2015 23:19

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng nhấn mạnh rằng, phải tăng cường hoạt động giám sát của các đoàn thể chính trị, các tổ chức quần chúng đối với công tác phòng chống tham nhũng.

Tại phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, dù nhận định thời gian qua, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng có nhiều nỗ lực, song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn cũng như mong muốn, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì thế cần phải làm cương quyết ngay từ người đứng đầu.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, đã có 8.649 cán bộ công chức được chuyển đổi vị trí công tác. Đã có 18 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong đơn vị.

Qua công tác kiểm tra của cấp ủy các cấp, đã thi hành kỷ luật đối với 366 trường hợp có liên quan đến tham nhũng và cố ý làm trái. Thanh tra các cấp cũng đã phát hiện vi phạm với số tiền là 11.298 tỷ đồng, 589 ha đất, kiến nghị thu hồi ngân sách 7.593 tỷ đồng, đã thu hồi được 6.203 tỷ đồng, đạt hơn 81%. Thanh tra cũng phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng với số tiền hơn 27 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hình sự 9 vụ, 7 đối tượng.

Từ tháng 4 đến 8/2015, cơ quan điều tra cả nước đã khởi tố 82 vụ, 189 bị can. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 116 vụ, 286 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 110 vụ, 232 bị cáo. Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 2.842 cuộc thanh tra hành chính và 116.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 268.251 tổ chức, cá nhân.

Qua thanh tra phát hiện vi phạm hơn 11.298 tỷ đồng, 589 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 7.593 tỷ đồng và 514 ha đất, xử lý trách nhiệm đối với 405 tập thể, 23 cá nhân, ban hành 106.562 quyết định xử phạt vi phạm đối với tổ chức, cá nhân số tiền 1.830 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra xử lý 20 vụ, 76 đối tượng.

Trong thông cáo của phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã nhận định rằng, thời gian qua, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng có nhiều cố gắng, song kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn cũng như mong muốn, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chính vì thế, trong phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục nhấn mạnh thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật và thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng. Và theo Tổng Bí thư phải làm kiên trì, liên tục, lâu dài và quyết liệt.

Xét trên thực tế có thể thấy vấn đề chống tham nhũng vẫn chưa làm hài lòng cơ quan chức năng cũng như nhân dân. Nhận định về việc chỉ có 18 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong đơn vị, ông Dương Ngọc Sơn, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, sau một thời gian thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 chúng ta đã làm rất quyết liệt. Một trong những nội dung tốt của Nghị quyết Trung ương 4 chính là xác định trách nhiệm của người đứng đầu.

“Trong quản lý chung của Đảng, nhà nước thì người đứng đầu rất quan trọng. Người đứng đầu nhận thức sai và làm sai thì ảnh hưởng đến toàn bộ cơ quan, đơn vị thậm chí cả một ngành. Bây giờ nhiều nơi không chỉ Trung ương mà địa phương. Người đứng đầu địa phương nắm cả Đảng và chính quyền, nắm toàn quyền vấn đề về cán bộ từ cấp Trưởng phòng trở lên. Cho nên phải làm cương quyết, bởi tham nhũng cũng là từ vấn đề cán bộ. Cơ quan nào, đơn vị nào để xảy ra tham nhũng thì ngoài người tham nhũng ra, người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm. Thậm chí buông lỏng, có hành vi đồng lõa thì phải bị xử lý nghiêm ”-ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, trao đổi với ĐĐK, luật sư Lê Đức Tiết từng nhận định rằng, tham nhũng là đứa con sinh đôi của bộ máy Nhà nước. Nó giống như bệnh tật đối với con người. Không thể quét sạch tham nhũng, chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất. Tuy vậy dư luận rất hoan nghênh việc Đảng và Nhà nước đã có quyết tâm cao trong đấu tranh chống tham nhũng.

Chính vì vậy ông cũng cho rằng, áp dụng kỷ luật đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là để đề cao trách nhiệm của người quản lý, nhưng cũng chỉ được một phần nhỏ. Điều cơ bản phải là vấn đề thay đổi chính sách đường lối, pháp luật.

Đề cập đến vấn đề tham nhũng, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng nhấn mạnh rằng, phải tăng cường hoạt động giám sát của các đoàn thể chính trị, các tổ chức quần chúng đối với công tác phòng chống tham nhũng. Như vậy thì người dân mới có quyền giám sát và phản biện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO