Luật Người khuyết tật (NKT) cũng như các văn bản pháp luật khác liên quan đều có quy định nhằm đảm bảo để NKT được sống độc lập thông qua việc được tự chủ quyết định những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của chính bản thân cũng như không bị kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự… Tuy nhiên trên thực tế, việc triển khai các chính sách vẫn còn là khoảng trống.
Phụ nữ khuyết tật chịu thiệt thòi “kép”
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho NKT, Luật Người khuyết tật có quy định mọi cá nhân có trách nhiệm tôn trọng, trợ giúp và giúp đỡ NKT.
Đặc biệt, Điều 14 của Luật đã có quy định nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT, xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp của NKT, không lôi kéo dụ dỗ và ép buộc NKT thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội...
Mặc dù vậy, khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, có đến 60% số người được hỏi chưa bao giờ nghe đến pháp luật về NKT, 23% từng nghe đến nhưng không biết cụ thể có gì trong đó.
Cũng vì khoảng trống này nên việc thực thi quyền cơ bản đối với NKT vẫn còn nhiều bất cập, nhất là những NKT là nữ giới.
Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật. Chia sẻ về những khó khăn mà phụ nữ khuyết tật gặp phải, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Việt Nam cho biết, ngoài những khó khăn của người khuyết tật trong cuộc sống, PNKT phải chịu sự phân biệt đối xử “kép” vì lý do khuyết tật và giới; phải đối diện với rất nhiều định kiến, nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực giới.
Cũng theo bà Mai, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có các hoạt động hỗ trợ NKT nhưng chưa nhiều, chưa có trung tâm dạy nghề, tạo việc làm, khởi nghiệp chuyên biệt cho NKT. Chính vì vậy việc tìm việc làm ổn định là một trong những rào cản đối với phụ nữ khuyết tật.
Theo một số liệu mới công bố gần đây của Quỹ Dân số của Liên hợp quốc (UNFPA), ở Việt Nam cứ 10 phụ nữ khuyết tật, thì có 4 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng 24 - 33 tuổi.
Có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm 9 tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, chiếm hơn 35%.
Làm thế nào để phụ nữ khuyết tật có việc làm ổn định?
Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội NKT Việt Nam, đi làm, có công việc ổn định là cách hòa nhập vào xã hội nhanh nhất, khẳng định giá trị bản thân tốt đối với phụ nữ khuyết tật.
Đã có rất nhiều gương phụ nữ khuyết tật điển hình tiên tiến vươn lên làm chủ doanh nghiệp, tuy nhiên con số này còn khá khiêm tốn, bởi hiện nay việc thực thi các quy định, chính sách pháp luật về đảm bảo việc làm cho NKT nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng vẫn chỉ dừng lại ở khuyến khích.
Hiện nay theo thống kê, cả nước mới chỉ có khoảng trên 20 tỉnh/thành có câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật, điều này cho thấy đảm bảo quyền cho phụ nữ khuyết tật vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ phía cơ sở, địa phương.
Ðể xây dựng được không gian an toàn cho phụ nữ khuyết tật, nhiều chuyên gia xã hội và pháp lý cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định luật pháp chính sách liên quan đến bảo vệ phụ nữ khuyết tật như hoàn thiện pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nói chung và phụ nữ, trẻ em khuyết tật nói riêng; bổ sung quy định về các thủ tục điều tra thân thiện nhằm bảo vệ phụ nữ khuyết tật.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng bổ sung những chế tài còn thiếu; tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, quy định riêng chế tài hành chính đối với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục.
Bên cạnh đó cần bổ sung các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực tình dục… Đặc biệt ngành LĐTBXH cần đẩy mạnh đào tạo nghề, hướng nghiệp cho phụ nữ khuyết tật.
Việc đào tạo nghề cần đa dạng, linh hoạt với tình trạng khuyết tật của từng đối tượng, song vẫn đảm bảo đáp ứng với nhu cầu thị trường.
Bởi thực tế hiện nay dù có nhiều lớp đào tạo nghề được mở dành cho phụ nữ khuyết tật nhưng chủ yếu là đan, thêu, may…vì thế đa phần phụ nữ khuyết tật học xong không xin được việc làm, chỉ một số ít xin được việc làm với mức thu nhập thấp, không ổn định.