Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Quyền được làm đẹp an toàn

An Thái 07/11/2024 09:01

Theo thanh tra Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm đến nay, đã có 10 cơ sở kinh doanh đăng ký là "bệnh viện" trong tên doanh nghiệp vi phạm pháp luật, bị xử lý vi phạm hành chính. Các cơ sở này chủ yếu là phòng khám chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc da...

Mới đây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến phạm vi phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp. Điều này xuất phát từ thực tế liên tiếp những vi phạm, những ca biến chứng thẩm mỹ xảy ra, từ đó những cơ sở phẫu thuật chui bị lộ diện. Đáng nói, có trường hợp bác sĩ thẩm mỹ (tự xưng) phải leo tường chạy trốn khi có đoàn kiểm tra.

Thông tin từ ngành y tế TPHCM cho hay, trong thời gian qua, quận 1 là một trong những quận có cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép khá nhiều, đây là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước thực trạng này, cuối tháng 10 vừa qua, UBND quận 1 đã tổ chức lễ phát động chiến dịch cao điểm về “Kiểm tra, xử lý, giám sát cơ sở hoạt động không phép và sai phép trong lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ” trên địa bàn đến hết tháng 12/2024.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Dẫu thế, làm đẹp sao cho an toàn mới là vấn đề đáng quan tâm. Theo các chuyên gia, phẫu thuật thẩm mỹ có một tỷ lệ tai biến nhất định. Đối với những đơn vị chuyên nghiệp cùng các chuyên gia nhiều kinh nghiệm thì tỷ lệ này được hạn chế tới mức gần như không còn.

Nhưng đáng lo ngại là hiện nay, rất nhiều người dân bởi tâm lý nhanh, rẻ và những lời quảng cáo có cánh mà tìm tới các cơ sở thẩm mỹ không được phép để thực hiện thủ thuật. Và hệ lụy là rất nhiều ca bệnh tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ trong những năm qua. Thậm chí, không ít trường hợp tai biến nặng, đẹp đâu chưa thấy nhưng đã phải đánh đổi bằng tính mạng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người có nhu cầu thẩm mỹ cần cẩn trọng trước khi thay đổi/cải thiện dung mạo. Theo đó, không nên ham rẻ, tìm đến những địa chỉ không phải là cơ sở y tế, mà phải tìm đến phòng khám, trung tâm chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ - nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ; tìm hiểu về các thuốc, hóa chất, vật liệu cấy ghép khi đưa vào cơ thể có tác dụng gì, tác dụng phụ không mong muốn, nguy cơ và biến chứng...

Quyền được làm đẹp an toàn là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Việc chấn chỉnh hoạt động cơ sở phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không chỉ chờ đến khi có những vụ việc tai biến nguy hiểm đến tính mạng thì cơ quan quản lý ngành và chính quyền mới ra tay.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện để phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đi vào hoạt động được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm điều kiện về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Quy định chặt chẽ là vậy, tuy nhiên, dịch vụ thẩm mỹ viện, spa không phép hiện nay vẫn mở ra vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe, tính mạng của khách hàng.

Thực tế ấy phản ánh công tác quản lý đang tồn tại các lỗ hổng; sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban ngành đã tạo ra kẽ hở, dẫn đến các cơ sở hoạt động vượt quá phạm vi được cấp phép. Và cuối cùng người chịu thiệt, gánh rủi ro vẫn là khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền được làm đẹp an toàn