Quyền không thích

Cẩm 26/10/2018 08:30

Chúng ta đã nói nhiều về cái nút like trên mạng. Nhưng ở đó, còn có một quyền lực mềm là dislike. Cộng đồng mạng ngày càng trở nên văn minh khi không phải bạ cái gì cũng nhấn nút like. Như gần đây đối với các MV nhạc trẻ trên youtube mà ca từ quá phản cảm, rất nhiều người đã bày tỏ thái độ không đồng tình bằng nút dislike.

Nhân nói về ca từ lại phải nhớ khoảng cuối thập kỷ 90 đến đầu những năm 2000, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt bài hát dành cho giới trẻ ra đời có nội dung nhạt nhẽo, tầm thường, ca từ vô nghĩa, hoặc vay mượn từ Hàn Quốc, Trung Quốc... Còn nhớ đã từng có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức với các tham luận sang sảng đòi “rung chuông cho hồn vía ca khúc Việt Nam trở về”.

Thực ra, nói cho công bằng, những bài hát có tính giải trí, mang tính thời trang như vậy tự nó có đời sống rất ngắn, tự nó chìm đi, việc một thời gian chúng ta đã thấy ít xuất hiện những như bài hát như vậy chắc cũng chẳng phải nhờ sự tác động từ các tham luận tại các hội thảo là bao.

Bẵng đi một thời gian, rồi gần đây, mức độ phản cảm của các bài hát mới sáng tác được nhân danh là dành cho giới trẻ đã được nâng lên một cách đáng kinh ngạc. Không phải chỉ là nội dung vô bổ, không phải chỉ là ca từ nhạt nhẽo, có những lời bài hát, không hiểu vì sao người ta có thể viết ra. Tiếng Việt trong những bài hát ấy trở thành “thảm hại”.

Trước đây, khi những câu hát nhạt nhẽo vang lên, người ta đã lo ngại rồi có ngày cái gì cũng có thể hát được. Bây giờ thì đã thành sự thật, chuyện gì cũng hát lên được, bằng cả những từ ngữ mang tính khiêu dâm, kiểu “anh ở trên còn em ở dưới, người em run lên” (MV Phiếu bé ngoan 2 của ca sĩ Yanbi và Mr.T)…

Đến mức này, hỡi các khán giả có tự trọng và tình yêu với tiếng Việt, hãy sử dụng nút dislike trên mạng như một quyền lực. Trong lúc chờ các cơ quan quản lý lên tiếng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền không thích