Quyền sống từ những vụ cha mẹ sát hại con rồi tự vẫn

Kiên Long 03/11/2015 03:15

Dư luận đang xôn xao xung quanh vụ cả gia đình 4 người nghi cùng tự vẫn tại số 218, đường Trần Phú, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Vụ việc rồi đây sẽ được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ. Tuy nhiên, với nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, cùng với vấn đề xót thương, cảm thông của xã hội, nhiều vấn đề đặt ra, trong đó liên quan đến việc bảo vệ các quyền của con người, nhất là quyền được sống.

Quyền sống từ những vụ cha mẹ sát hại con rồi tự vẫn

Với trẻ thơ, cao hơn tất cả, việc bảo hộ cho các em đó là Hiến pháp và pháp luật.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hết sức quan tâm đến mọi con người, mọi công dân Việt. Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp năm 2013, tiếp tục khẳng định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Vậy nhưng, lâu nay đã xẩy ra không ít các vụ án, vụ việc trong các gia đình, họ tộc, không ít cá nhân đã bị đối xử trái pháp luật. Không ít em bé bỗng dưng bị tước đi quyền được sống. Không ít người tự coi quyền của mình là ông bà, cha mẹ đã công nhiên định đoạt, cướp đi quyền được sống của con, cháu mình.

Lâu nay cũng không ít trường hợp, người mẹ khi sinh ra những đứa trẻ, do thất tình, mâu thuẫn với người cha đứa trẻ đã quyên sinh, hay bỏ rơi đứa con, gây nên cái chết của đứa trẻ. Hành vi ấy, chưa bàn đến vấn đề lương tâm, đạo đức, mà về mặt pháp luật, đó là hành vi xâm hại đến tính mạng con người, xâm phạm quyền được sống của con người.

Ngay trong vụ chết cả gia đình 4 người tại 218 Trần Phú, TP Thanh Hóa còn nhiều điều cần phải làm rõ, ngay khi đó là vụ án do tự vẫn. Người chủ gia đình, ông Ngô Lê Hà (45 tuổi), vợ là bà Trần Thị Nhung (42 tuổi), con trai Ngô Duy Tân (23 tuổi), đều đã đủ tư cách công dân, có quyền quyết định mọi vấn đề về mình, nhưng với em Ngô Quang Ninh (13 tuổi) vẫn còn là trẻ vị thành niên.

Không thể bất cứ người cha, người mẹ nào lấy quyền bảo hộ, quyền làm cha mẹ để tước đi quyền được sống của các em. Ngay khi các em đã lớn, đủ tư cách công dân, họ cũng có quyền của mình, không ai được nhân danh cha hay mẹ để tước đi quyền được sống của họ. Mọi hành vi xâm phạm thân thể, ép buộc tước đi mạng sống của người khác đều vi phạm pháp luật, mang tội danh giết người.

Với trẻ thơ, cao hơn tất cả, việc bảo hộ cho các em đó là Hiến pháp và pháp luật. Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Oái oăm thay, lâu nay, không ít trẻ em đã không được hưởng trọn vẹn quyền của mình. Các em bỗng dưng lại phải gánh chịu nhiều điều bất công từ phía người lớn. Cha mẹ cãi nhau, giận nhau, mọi tức bực bỗng trút lên đầu con cái. Người bố, người mẹ mang bao nỗi uất hận, nóng nảy ở cơ quan, đơn vị về nhà, cũng lại trút lên các con. Sự mâu thuẫn, ganh đua của người lớn, kinh doanh thua lỗ, nợ nần, hậu quả lại cũng đổ lên các em. Nhiều vụ việc, các em là người chịu nhiều hậu quả, thậm chí mất đi mạng sống của mình.

Bảo vệ quyền sống của con người, nhất là trẻ em, trách nhiệm trước hết của cả xã hội mà người đại diện là Nhà nước, như Hiến pháp đã quy định. Người lớn, ngay cả bố mẹ các em cũng không được phép xâm hại các em, nhất là quyền sống của các em. Không ít các bậc ông bà, cha mẹ chưa thực sự hiểu biết, tuân thủ pháp luật. Cũng nhiều khi xuất phát từ tình thương yêu con cái, gắn bó máu thịt mà rồi người ta cho rằng, chỉ có họ mới có thể lo toan, gánh vác trách nhiệm.

Từ “trách nhiệm” họ mang, và họ tự cho mình “có quyền”. Rõ ràng, ở đây cần phải tiếp tục có sự phân định, làm rõ, tuyên truyền để chính những người lớn, các bậc ông bà, cha mẹ, hiểu rõ hơn, hiểu thêm về quyền, trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước, của cả xã hội đối với trẻ em. Khi những người lớn, các bậc ông bà, cha mẹ nhìn thấy vai trò của xã hội, trách nhiệm của xã hội với chính các em, con cái của họ, họ sẽ nhận thức thêm được cái quyền của mình, giới hạn của mình, thêm tin tưởng vào vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội. Không chỉ từ một số nạn nhân các em ở một vài vụ việc, vụ án, mà phải là sự can thiệp từ mọi mặt, quá trình lớn lên, phát triển của các em nói chung, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành.

Quyền sống của con người nói chung, nhất là của các em phải đặc biệt được tôn trọng. Để sống, trẻ em từ khi sinh ra được bảo hộ các quyền của mình, Từ quyền được dùng sữa mẹ, quyền được vui chơi, học hành, được Nhà nước và xã hội chăm lo từ nơi nhà trẻ đến công viên, trường học. Đặc biệt các em phải được bảo vệ, an toàn từ ngoài xã hội, cho đến mọi gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền sống từ những vụ cha mẹ sát hại con rồi tự vẫn