Sẽ có 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Nội vụ ưu tiên trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiệm vụ tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý cán bộ công chức
PV: Thưa Bộ trưởng, mọi thành bại đều ở con người. Là bộ nắm giữ cơ chế vận hành bộ máy các cơ quan nhà nước, trong chương trình hành động sắp tới của mình ông sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Chúng tôi tập trung triển khai 6 ưu tiên điều hành của Chính phủ trong giai đoạn tới. Trong đó, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống quan liêu, sách nhiễu, tham nhũng; thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và từng CBCCVC và coi đây là những nội dung công tác trọng tâm, góp phần xây dựng Bộ, ngành Nội vụ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Tập trung công tác cải cách hành chính theo hướng Nhà nước kiến tạo và phát triển; trọng tâm là xây dựng thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính quyền phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đội ngũ CBCCVC nhà nước. Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC.
Triển khai ngay Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngay trong năm 2016, đảm bảo yêu cầu phân cấp mạnh và rõ hơn giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng “Việc nào do cấp nào quản lý và giải quyết sát thực tiễn hơn thì giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho cấp đó”; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.
Thưa Bộ trưởng, nhiệm kỳ qua Bộ Nội vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao xây dựng và thực hiện nhiều đề án, dự án quan trọng, Bộ cũng xây dựng, bổ sung, sửa đổi một số dự án luật lớn. Điều này liệu có phải “áp lực” đối với ông trong nhiệm kỳ của mình?
- Tôi tin tưởng, thời gian sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ tập trung xây dựng có chất lượng, bảo đảm tiến bộ các đề án được Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ. Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện, sớm trình các đề án (Nghị quyết của UBTVQH, Nghị định của Chính phủ) để triển khai Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bộ Nội vụ tiếp tục làm tốt công tác xây dựng thể chế, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành Nội vụ được phân công.
Nghị định 108 của Chính phủ đã quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được sử dụng 50% số biên chế đã được tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật; số còn lại được cắt giảm và đưa vào biên chế dự phòng do cơ quan có thẩm quyền quản lý để sử dụng cho việc thành lập tổ chức mới hoặc triển khai các nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền giao. Đồng thời quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền. |
Tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ
Thưa Bộ trưởng, một nhiệm vụ được coi là rất khó khăn đang chờ đợi Bộ trưởng, đó là thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế qua đó để nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCC. Ông sẽ thực hiện nhiệm vụ này thế nào để nhân dân không còn lo ngại “càng tinh giản thì bộ máy càng phình to”?
- Nghị định 108 của Chính phủ đã quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được sử dụng 50% số biên chế đã được tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật; số còn lại được cắt giảm và đưa vào biên chế dự phòng do cơ quan có thẩm quyền quản lý để sử dụng cho việc thành lập tổ chức mới hoặc triển khai các nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền giao.
Đồng thời quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền. Kết quả tổ chức triển khai thực hiện tinh giản biên chế được gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC đạt hiệu quả, Nghị quyết số 39 và Quyết định số 2218/QĐ-TTg đã đưa ra 5 nhóm giải pháp và trong mỗi nhóm giải pháp có các giải pháp cụ thể để giải bài toán tinh giản biên chế. Theo đó Bộ Nội vụ sẽ đốc thúc việc hoàn thành việc xác định vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị làm cơ sở xác định biên chế phù hợp.
Đồng thời cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm cơ cấu phù hợp về nữ, người dân tộc thiểu số; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, chức vụ công chức, viên chức từ Thứ trưởng, chuyên gia, chuyên viên cao cấp và tương đương trở xuống theo hướng chú trọng phẩm chất, trình độ, năng lực...
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ đề nghị, lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nghiêm túc thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tinh giản biên chế, tôi tin tưởng rằng việc thực hiện sẽ đạt kết quả.
Thưa Bộ trưởng, cách đánh giá cán bộ của chúng ta chưa sát thực tiễn, thế nên mới có chuyện dư luận cho rằng có tới trên 30% công chức “cắp ô”, thế nhưng Bộ Nội vụ lại khẳng định chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian tới, Bộ Nội vụ có giải pháp căn cơ nào để đánh giá đúng năng lực của cán bộ, để nhân dân không còn bức xúc rằng, vẫn còn rất nhiều người không được việc trong bộ máy?
- Đúng là đánh giá cán bộ của chúng ta còn chưa sát thực tiễn thế nên mới khó tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ. Vì vậy việc đổi mới cơ chế đánh giá, phân loại CBCCVC là điều cần quyết liệt làm. Việc đánh giá CBCCVC theo nguyên tắc cấp trên đánh giá, phân loại cấp dưới; người đứng đầu đánh giá, phân loại CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý; cấp trên trực tiếp đánh giá, phân loại người đứng đầu sẽ đánh giá sát năng lực của cán bộ.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành được 59 tiêu chuẩn ngạch công chức và 37 bộ tiêu chuẩn chức danh viên chức cho 113 chức danh nghề nghiệp viên chức và đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 19/22 Bộ, ngành hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức.
Trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; danh mục vị trí việc làm, cơ cấu CCVC; quy định về việc đánh giá, phân loại CBCCVC và sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như sự triển khai thực hiện nghiêm túc của người đứng đầu các cơ quan sẽ giải quyết được bài toán tinh giản biên chế đối với những CBCCVC không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Đánh giá cán bộ của chúng ta còn chưa sát thực tiễn nên mới khó tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ. Vì vậy, việc đổi mới cơ chế đánh giá, phân loại CBCCVC là điều cần quyết liệt làm. Việc đánh giá CBCCVC theo nguyên tắc cấp trên đánh giá, phân loại cấp dưới; người đứng đầu đánh giá, phân loại CBCCVC thuộc thẩm quyền quản lý. Cấp trên trực tiếp đánh giá, phân loại người đứng đầu sẽ đánh giá sát năng lực của cán bộ.