Hôm qua (27/11) kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau hơn 1 tháng làm việc với tinh thần khẩn trương trách nhiệm, và thực sự vì dân. Kỳ họp đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác lập pháp đồng thời những vấn đề quan trọng của đất nước, sát sườn liên quan trực tiếp đến đời sống người dân đã được Quốc hội xem xét, cân nhắc và thận trọng thông qua.
Phiên bế mạc kỳ họp.
Xin được nhấn mạnh rằng kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng giảm, cạnh tranh chiến lược, xung đột lợi ích giữa các quốc gia gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Còn ở trong nước ngoài thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đáng lưu ý là tình hình Biển Đông thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động không thuận khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta. Về vấn đề Biển Đông, ngay phiên khai mạc của kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.
Đây là kỳ họp cuối năm nên phần lớn chương trình nghị sự của kỳ họp này dành cho công tác lập pháp, song Quốc hội cũng đã quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước liên quan đến đời sống của người dân. Đơn cử như trong việc thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vốn là luật khó, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động nhưng đã được Quốc hội thông qua với 90,6% ĐBQH tán thành. Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là có hay không tăng khung giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm hay không thì Quốc hội quyết định không tăng giờ làm thêm và người sử dụng lao động có thể huy động giờ làm thêm theo mùa, thêm 10 giờ mỗi tháng nhưng không được vượt quá 300 giờ/năm. Bởi nhìn từ sâu xa, điều đáng quý nhất của mỗi quốc gia chính là chất lượng nguồn nhân lực trước hết nằm ở sức khỏe của người lao động, chỉ khi nào chất lượng nguồn nhân lực được đảm bảo thì sự phát triển của đất nước mới bền vững, trường tồn.
Một vấn đề tưởng chừng là nhỏ nhưng thực sự thể hiện sự gần dân, vì dân đó là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận với 92,75% ĐBQH tán thành, góp phần giải quyết thêm 30% nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho sinh hoạt cho trên 12.000 hộ dân và khu công nghiệp, góp phần thoát lũ nên sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống người dân, hạn chế tình trạng di dân tự do. Hay như việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nhưng điểm nhấn chính là việc Đề án đã đưa ra mục tiêu tổng quát, đồng thời xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó đáng chú ý là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Còn tại Nghị quyết Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh diện tích đất cho quốc phòng từ 1.050 ha thành 570 ha dành riêng cho quốc phòng và 480 ha cho xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng.
Những quyết sách của Quốc hội tại kỳ họp này đã cho thấy những vấn đề quan trọng của đất nước đã được Quốc hội quyết định một cách thận trọng và ngày càng sát dân hơn, vì lợi ích của người dân, mà đằng sau nó là sự phát triển bền vững trường tồn của quốc gia, dân tộc. Bởi kinh tế phát triển nhưng đời sống của người dân không được đảm bảo thì mọi nỗ lực tăng trưởng đều là vô nghĩa. Và “hạt nhân” của Quốc hội là các ĐBQH đã phát huy được tinh thần trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân trong mỗi lần “ấn nút” quyết định.