Chính trị

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024

H.Vũ 04/04/2024 08:21

Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Thủ tướng yêu cầu thực hiện “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh” để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024. Tại phiên họp, các ý kiến thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, kết quả tháng 3 tốt hơn tháng 1 và tháng 2, quý 1/2024 nhìn chung tốt hơn năm 2023 với nhiều mặt được nổi bật.

anh-1-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Nguồn: Báo Nhân Dân.

Kinh tế - xã hội phục hồi tích cực

Theo đó, tăng trưởng GDP quý 1 đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và cao hơn kịch bản đề ra. Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp tăng 2,98%, công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, dịch vụ tăng 6,12%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (xuất đủ nhập - xuất siêu 8,08 tỷ USD; làm đủ ăn - xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo, trị giá 1,37 tỷ USD; an ninh năng lượng, lương thực, cung cầu lao động được bảo đảm). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,23% so với tháng 2; bình quân quý 1 tăng 3,77% (cùng kỳ năm 2023 là 4,18%; chỉ tiêu Quốc hội là khoảng 4-4,5%). Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và 12% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 9,2% so với cùng kỳ; tính chung quý 1 tăng 8,2%. Tình hình tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được cải thiện rõ nét.

Điểm nhấn là đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1 tăng 5,2% so với cùng kỳ (quý 1/2023 tăng 3,7%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng. Phát triển doanh nghiệp (DN) tiếp tục tăng với xu hướng tích cực. Tháng 3/2024 có 14.100 DN đăng ký thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng 2; tính chung quý 1 có 36.200 DN đăng ký thành lập mới, tăng 6,9% và 23.600 DN hoạt động trở lại, tăng 2,4% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn. Ảnh: Quang Vinh.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 65 tỷ USD, xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tiếp tục xuất siêu lớn. Ảnh: Quang Vinh.

Không lùi bước trước khó khăn

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, mặc dù kết quả đạt được là cơ bản, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.

Theo đó, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới... Một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số DN rút khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng giao dịch phục hồi còn chậm. Đầu tư công còn 32.000 tỷ đồng chưa phân bổ.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, coi khó khăn, thách thức là động lực phấn đấu vươn lên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc; chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bảo đảm điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ 1/7

Thủ tướng yêu cầu, thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”.

“5 quyết tâm” gồm: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức; Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”; Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và DN; Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng chống thiên tai, dịch bênh, ứng phó biến đổi khí hậu.

“5 bảo đảm” gồm: Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững; Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản, thị trường vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); thị trường khoa học công nghệ; thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ carbon, dữ liệu; Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024; Bảo đảm ổn định chính trị, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

“5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen). Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh giải quyết khó khăn, vướng mắc, tuyệt đối không tạo thêm rào cản cho người dân, DN; xử lý, giải quyết các vấn đề, dự án tồn đọng kéo dài.

Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; xây dựng hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong đó, phấn đấu hoàn thành trong tháng 4 việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, chuẩn bị tốt các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, củng cố và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao thành chương trình, dự án cụ thể. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tất cả các cấp, các ngành.

Quyền lợi chính đáng của khách hàng luôn được bảo vệ

Chiều 3/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, trả lời về việc vừa qua cơ quan an ninh điều tra, Công an TP Hà Nội đã khởi tố và bắt bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng MSB Thanh Xuân chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 bị hại. Bao giờ khách hàng được hoàn lại tiền đã mất? Cá nhân bà Hoài Anh và Ngân hàng MSB phải bồi thường ra sao? Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp gì để bảo vệ người gửi tiền?... ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết: Thời gian qua có tình trạng tiền trong tài khoản bị mất. Có vi phạm do cá nhân, tập thể hoặc do ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Tú, không thể nói “lỗ hổng” mang tính chất hệ thống mà chỉ diễn ra ở một số ngân hàng, một số tổ chức đơn vị... hoặc vi phạm do cơ chế, cách thức quản lý của những đơn vị đó, hoặc do vi phạm tiêu cực của cá nhân cán bộ ngân hàng, thậm chí có những trường hợp “thông đồng” cùng với cán bộ ngân hàng để tiêu cực...

Ông Tú khẳng định, mỗi vụ việc đều được NHNN rút kinh nghiệm chung đối với tất cả các ngân hàng. Qua đó có chỉ đạo để khắc phục kịp thời. Ở góc độ cơ chế, quy chế, quy định thì NHNN luôn rà soát lại một cách thường xuyên. Từ lâu tất cả các quy định liên quan đến mở tài khoản thanh toán, vấn đề chuyển tiền, gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp đã được hệ thống các văn bản quy phạm rất đầy đủ. Trong đó, đã xác định rõ, quy định về trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong cung ứng dịch vụ liên quan đến mở tài khoản và tiền gửi tiết kiệm của người dân. Bên cạnh đó, đã quy định cụ thể trách nhiệm của những người gửi tiền để đảm bảo quy định được an toàn.

Tuy nhiên, ông Tú cũng cho hay, việc triển khai thực hiện các quy định của các ngân hàng thương mại bằng các quy định nội bộ, hoặc các quy định riêng trong quản trị hoạt động này của từng ngân hàng thương mại, thì việc đó là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Cho nên xảy ra vụ việc như của MSB hiện nay là trách nhiệm thuộc về các ngân hàng thương mại, cần phải xem đã thực hiện đúng quy định của NHNN hay chưa? “Trách nhiệm bảo vệ người gửi tiền đã được Chính phủ, các bộ, ngành thể hiện rất rõ ở các quy định để đảm bảo bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền” - ông Tú nói đồng thời xác nhận đã nhận được báo cáo của Ngân hàng MSB. Vụ việc này không phải do khách hàng phát hiện ra, mà qua giám sát, chính MSB đã phát hiện ra và chủ động gửi hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra từ tháng 10/2023.

Ông Tú thông tin, hiện cơ quan công an đang khẩn trương điều tra, xác định trách nhiệm cũng như sai sót thuộc trách nhiệm của ai, của MSB hay của cá nhân bà Hoài Anh, hay có những người khác có liên quan nữa không?... “Để xác định đúng sai, trách nhiệm do đâu phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Nhưng có một nguyên tắc đó là quyền lợi chính đáng của khách hàng luôn được bảo vệ” - ông Tú khẳng định.

V.Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết tâm cao, nỗ lực lớn đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024