Quyết tâm, chủ động, sáng tạo trong giám sát và phản biện xã hội

Nhã Phương Ảnh: Thành Trung 05/01/2017 10:00

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: 3 năm qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã rất quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.

Ngày 5/1, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Dân vận năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo. Các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương tham dự.

Tham dự lễ tổng kết, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày 3 năm MTTQ Việt Nam thực hiện Quyết định số 217, 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, từ năm 2014-2016, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 9 chương trình giám sát.

1. Chương trình phối hợp về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thanh tra Chính phủ.

3. Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQVN, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.

4. Chương trình phối hợp giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Dược học Việt Nam.

5. Chương trình phối hợp giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam

6. Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ và Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

7. Chương trình phối hợp về giám sát thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên minh hợp tác xã Việt Nam

8. Chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2015 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

9. Chương trình phối hợp về vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ.

Giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và giám sát cán bộ, công chức, đảng viên được tiến hành bình thường ở cơ sở, thông qua hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban Công tác mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; nổi bật nhất là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã đủ thời gian giữ chức vụ hai năm.

Trường hợp có phiếu tín nhiệm thấp dưới 50%, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã có văn bản kiến nghị cấp ủy Đảng, HĐND xem xét. Tuy nhiên, thực tế, chưa có đoàn giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên ở nơi công tác và nơi cư trú.

Báo cáo kết quả chương trình giám sát của MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Chương trình phối hợp về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 với tổng số người có công rà soát được 2.070.812. Trong đó, có 1.982.769 người (chiếm 95,75%) đã được hưởng đủ chính sách; có 86.201 người (chiếm 4,16%) chưa hưởng đầy đủ chính sách; có 1.872 người hưởng sai chính sách (chiếm 0,09%); có 63.768 trường hợp đã làm hồ sơ mới đề nghị được xem xét hưởng chính sách người có công (đến tháng 12/2015 đã khắc phục được 2/3 số trường hợp thiếu này).

Các tổ chức tham gia giám sát: MTTQ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc màu da cam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội cựu Thanh niên xung phong. Tổng số người tham gia giám sát: 200.000 người, trong đó 100.000 người là hội viên hội Cựu chiến binh.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đã tổ chức được 2 Hội nghị tập huấn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho các Điều phối viên và Điều tra viên.

Năm 2015 thành lập 4 tổ công tác giám sát quá trình khảo sát điều tra xã hội học tại 4/10 tỉnh được lựa chọn là Đắk Lắk, Tây Ninh, Quảng Ninh và Hà Nội.

Năm 2016 tổ chức 2 đoàn khảo sát, đánh giá việc xác định chỉ số hài lòng của người dân tại 5 tỉnh, thành phố là Lào Cai, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Chuẩn bị tổ chức hội nghị toàn quốc về tổng kết, đánh giá phương pháp xác định chỉ số hài lòng của người dân, dự kiến tổ chức trong tháng 1/2017 tại Hà Nội, do Bộ nội vụ chủ trì phố hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.

Về chương trình giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012: Chương trình này xuất phát từ thực tế các kiến nghị của cử tri là nông dân được phản ánh tại 3 kỳ họp Quốc hội liên tiếp: Đoàn khảo sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tới các tỉnh: Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội; tổ chức các hội thảo, tọa đàm về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX 2012, Hội nghị chuyên đề về phát triển Làng nghề Việt Nam; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các HTX thành lập trước năm 2012 chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 theo đúng hạn 31/7/2016.

Đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 19-CT/TTg ngày 24/07/2015 về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX 2012. Sau 1 năm thực hiện, tháng 6/2016, đã tổ chức Hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Khẳng định kết quả hoạt động của MTTQ Việt Nam ở cấp địa phương, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Trong 3 năm, MTTQ Việt Nam 3 cấp ở 63 tỉnh, thành phố đã triển khai hàng ngàn cuộc giám sát chuyên đề, nội dung giám sát tập trung vào việc người dân bức xúc như thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải tỏa; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; về công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc thực hiện đưa người cai nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trên địa bàn vào cơ sở xã hội; công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; việc cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh...

Ví dụ: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai từ năm 2015 và năm 2016 tổ chức 7 đoàn giám sát; MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tổ chức 68 đoàn giám sát; Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn thành lập 444 đoàn giám sát. Như vậy bình quân mỗi năm tổ chức 260 đoàn giám sát ở 3 cấp.

Tỉnh Bắc Ninh: Trong 3 năm từ 2014 đến 2016, MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức được 14 cuộc giám sát cấp tỉnh, trong đó: MTTQ tỉnh chủ trì tổ chức 7 cuộc; Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì tổ chức được 4 cuộc; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức được 2 cuộc; Hội Cựu Chiến binh tỉnh đã tổ chức được 1 cuộc.

Nói về một số kết quả MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217 và 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Chủ tịch Nguyễn THiện Nhân nhấn mạnh: Ở cấp Trung ương, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; góp ý, phản biện đối với Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật về Hội; góp ý kiến vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, đề án lớn của Quốc hội và Chính phủ.

Ở cấp địa phương: Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã góp ý Dự thảo Tờ trình về việc quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2016-2017 và mức thu học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021; Danh mục dự án công trình chuyển đổi sử dụng đất lúa, rừng phòng hộ năm 2017 trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố Hà Nội... Ủy ban MTTQ cấp huyện đã tổ chức 46 hội nghị phản biện xã hội; cấp xã được 197 hội nghị.

Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 27 hội nghị phản biện xã hội ở cấp thành phố, cấp huyện và cấp cơ sở để góp ý dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế tới năm 2020, dự thảo đề án Quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; dự thảo Ban hành Quy định giải quyết tranh chấp đất đi trên địa bàn thành phố; dự thảo Quyết định thay thế các quy định hiện hành liên quan đến hạn chế và cấp phép cho xe ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô Thành phố...

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức thành viên và các Hội đồng tư vấn để lấy ý kiến phản biện về Dự án Cầu đi bộ qua sông Hàn...

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức phản biện 2 nội dung: dự thảo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và dự thảo Quy định các tiêu chí ưu tiên lựa chọn đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh…

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: 3 năm qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã rất quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau 3 năm, ở cấp Trung ương, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, tất cả các tổ chức chính trị-xã hội và nhiều tổ chức thành viên khác của MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp triển khai các hoạt động giám sát ở cấp Trung ương ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội.

Quang cảnh hội nghị.

Các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ đã tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị và triển khai các chương trình giám sát. Chính phủ đã cấp kinh phí cho hoạt động giám sát 3 năm 2014-2016.

“Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngân hàng; kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện. Để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện hiệu quả Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương trong các hoạt động giám sát và phản biện là một nhân tố không thể thiếu để bảo đảm sự thành công của các hoạt động này” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động còn có những khi thực hiện 217 và 218 đó là: Quy trình giám sát, phản biện ở nhiều địa phương chưa đồng bộ và thiếu kinh phí. Giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là giám sát không chế tài, việc tiếp thu kiến nghị sau giám sát đối với đơn vị được giám sát và cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp chưa có quy định. Việc chế tài khi đối tượng giám sát vi phạm pháp luật thuộc chức năng của thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước các cấp và hệ thống tòa án.

Tại hội nghị tổng kết, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã kiến nghị 4 nội dung:

Thứ nhất, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12, đề xuất Ban Dân vận Trung ương chủ trì phối hợp với MTTQ Việt Nam kiến nghị quy trình giám sát đối với tổ chức Đảng, Đảng viên.

Thứ hai, cần có cơ chế, kế hoạch, định mức bố trí kinh phí phù hợp cho hoạt động giám sát và phản biện.

Thứ ba, cần có hình thức phù hợp để đưa các thông tin kết quả giám sát, phản biện đến với nhân dân.

Thứ tư, cần quy định rõ thời hạn các cơ quan, đơn vị khi nhận được văn bản kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội phải có trách nhiệm giải quyết và trả lời chính thức, đưa vào Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật MTTQ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết tâm, chủ động, sáng tạo trong giám sát và phản biện xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO