Quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS

Khánh Ngân 02/12/2022 13:00

Quảng Bình có 15 xã nằm trong vùng miền núi, biên giới, trong đó có hơn 27.000 người là đồng bào DTTS. Theo khảo sát gần đây nhất, số hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS chiếm đến 70%. Để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết riêng, với quyết tâm giảm số hộ nghèo ở vùng DTTS.

Những năm gần đây, thị trấn Quy Đạt (huyện vùng cao Minh Hóa), là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Những năm gần đây, thị trấn Quy Đạt (huyện vùng cao Minh Hóa), là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Ngày 10/6/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với các nội dung bao trùm lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… Nghị quyết 08 thể hiện ý chí và quyết tâm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS của cả hệ thống chính trị.

Hướng tới mục tiêu trọng tâm giảm nghèo, Nghị quyết 08 quán triệt là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức. Trước hết là làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Làm cho đồng bào hiểu về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, để từ đó tạo sự đồng thuận, động lực vươn lên thoát nghèo của chính đồng bào. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, phải hết sức chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tăng cường đổi mới công tác dân tộc và công tác vận động quần chúng đối với đồng bào các DTTS; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Trong quá trình hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh, giảm nghèo bền vững cần huy động, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Lấy nguồn lực của Nhà nước là trụ cột, huy động các nguồn lực khác trong xã hội trợ lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong vùng DTTS. Tăng cường chuyển giao khoa học, công nghệ, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm miền núi để phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân; gắn sản xuất với thị trường, nhất là các lĩnh vực miền núi, vùng đồng bào DTTS có lợi thế.

Đã có những chuyển biến tích cực

Dù Nghị quyết 08 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình mới được thực hiện, nhưng trong vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều tiền đề, mô hình thoát nghèo đã được hình thành. Chỉ số hộ nghèo cũng đã có sự thay đổi tích cực.

Mô hình trồng cao su của gia đình anh Hồ Nam ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.
Mô hình trồng cao su của gia đình anh Hồ Nam ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 700 hộ gia đình người DTTS làm ăn khá, giỏi. Trong đó gần 200 hộ có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên/năm. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Hồ Nam, dân tộc Vân Kiều, ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 200 triệu đồng từ trồng cây cao su. Với nghị lực tự vươn lên, gia đình anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hay như hộ gia đình ông Hồ Văn Pan ở bản Cây Bông, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy), phát triển trang trại tổng hợp, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ năm. Bằng sự siêng năng của mình và các thành viên trong gia đình, 20 ha rừng được gia đình ông trồng keo. Ngoài ra, ông còn trồng lúa nước, nuôi lợn nái, lợn thịt; cùng với đàn bò lai Sind 20 con, đàn dê 15, 4 ao nuôi cá nước ngọt…

Từ những hạt nhân đó, đã tạo ra động lực lớn đối với đồng bào DTTS ở Quảng Bình. Bà con thi đua sản xuất, phong trào vươn lên thoát nghèo mạnh mẽ. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS giảm bình quân 4 - 5%/năm. Chuyển biến trong đời sống đồng bào góp phần làm cho giáo dục, chất lượng giáo dục được cải thiện. Đến nay, đã có 100% xã vùng DTTS có trường mầm non, tiểu học và THCS; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều nơi đạt chuẩn phổ cập THCS.

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được chú trọng. Nhiều gia đình, thôn, bản, khu dân cư ở vùng dân tộc và miền núi được công nhận là gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa. Mức hưởng thụ văn hóa ở vùng DTTS từng bước được nâng lên. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS không ngừng được kiện toàn, củng cố. Hiện nay, các xã vùng DTTS không còn “bản trắng” về chi bộ và đảng viên.

Cùng với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững, Nghị Quyết 08 của Ban chấp hành Đảng Bộ Quảng Bình, đã và đang làm thay đổi vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai, với nhiều mục tiêu, nội dung đầu tư hỗ trợ sẽ tiếp thêm nguồn lực giải quyết toàn diện các vấn đề khó khăn trong đời sống dân sinh để vùng đồng bào DTTS ở Quảng Bình thay đổi diện mạo toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS