NXB Văn học phối hợp với Phúc Minh Book vừa giới thiệu đến độc giả 2 tác phẩm trinh thám của nhà văn Cornell Wolrich là “Điểm hẹn đen” (dịch giả Nguyễn Quang Huy) và “Người đàn bà trong đêm” (dịch giả Nguyễn Thị Hạnh).
Bìa cuốn "Điểm hẹn đen" của Cornell Woolrich.
Theo đó, “Điểm hẹn đen” là cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1948, là mốc son trong sự nghiệp cầm bút của Cornell Woolrich, khởi đầu cho danh tiếng tác giả “trinh thám đen” bậc thầy.
Câu chuyện bắt đầu từ điểm hẹn tình yêu của Johnny Marr cùng cô gái của chàng, Dorothy. Sau đó, chuyện được tiếp nối bằng những điểm hẹn đen tối, không tình yêu và đầy chết chóc. Mỗi cuộc hẹn trôi qua, từng người phụ nữ yêu thương nhất của năm người đàn ông trên chuyến bay định mệnh ngày 31/5 đều bị giết hại theo những cách thức khác nhau.
Bằng những câu văn hoa mỹ, trữ tình kết hợp cùng một cốt truyện kịch tích đậm chất điện ảnh, Cornell Woolrich đã bóp nghẹt trái tim người đọc, khiến chúng ta có cảm tưởng như thể mình đã trở thành một nạn nhân của Johnny Marr. Khi gấp cuốn sách lại, ta không khỏi băn khoăn, phải chăng tình yêu chẳng là gì ngoài nỗ lực theo đuổi những ảo ảnh không thể với tới?
Bìa cuôn "Người đàn bà trong đêm".
Còn với “Người đàn bà trong đêm” được xuất bản vào năm 1942, cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng u tối, hồi hộp giống như nhiều tác phẩm khác của Cornell Woolrich. Toàn bộ câu chuyện là hành trình khám phá những bí ẩn xoay quanh kẻ sát nhân giấu mặt và một người phụ nữ kì lạ. Những hy vọng cứ vừa được thắp lên thì lại đột nhiên tắt ngúm trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Không tập trung vào những hành động kịch tính, tác phẩm hấp dẫn người đọc cho đến tận những trang cuối cùng bởi lối dẫn chuyện lôi cuốn cùng bút pháp miêu tả tâm lý đầy tinh tế của Cornell Woolrich.
Cornell Woolrich (1903-1968) là một trong những nhà văn “trinh thám” vĩ đại nhất thế kỷ XX. Ông để lại một kho tàng đồ sộ gần 200 truyện ngắn hình sự. Nhưng tiểu thuyết trinh thám mới là lĩnh vực ông để lại dấu ấn lớn hơn cả. Truyện của Woolrich không có một hình mẫu thám tử cố định, nhưng vẫn cuốn hút độc giả bởi hình ảnh những con người bình dị phải vùng vẫy thoát khỏi định mệnh nghiệt ngã bủa vây.
Văn phong tinh tế, tình tiết đầy ám ảnh, kết thúc bất ngờ, tất cả đã tạo cho Woolrich một phong cách rất riêng. Ông được mệnh danh là “Poe của thế kỷ XX”. Cornell Woolrich cũng là một trong những nhà văn trinh thám có nhiều tác phẩm được dựng phim nhất: gần 60 lần chuyển thể lên màn ảnh rộng, trong đó có ba bộ phim gần chạm ngưỡng kinh điển là Phantom Lady, The Window và No Man of Her Own. Đạo diễn danh tiếng Alfred Hitchcock đặc biệt ưu ái khi chọn đến 5 truyện ngắn của ông để chuyển thể, nổi tiếng nhất là Rear Window.