Ngày 16/7, Viện Bảo tồn di tích đã ra mắt cuốn “Hình tượng linh vật trong di tích kiến trúc” tập hợp những câu chuyện, hình vẽ, ảnh chụp về những con vật mang tính biểu tượng của người Việt xưa.
Sách dày hơn 200 trang, do TS Hoàng Đạo Cương - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, chủ biên. Trong sách, các linh vật được các nhà khoa học của Viện Bảo tồn di tích đề cập đến gồm: Rồng, phượng, hạc, lân, rùa, tứ linh, hổ phù, hổ, hươu… Những linh vật này gắn với các di tích tiêu biểu như: đình Tây Đằng, chùa Tây Phương, đền Phù Đổng, chùa Bối Khê, chùa Phổ Minh, chùa Thổ Hà... Trong đó những bản vẽ hình tượng linh vật rồng với các cách biểu đạt khác nhau tiêu biểu trong trùng tu của đình Tây Đằng đã có mặt trong cuốn sách.
Linh vật, theo các nhà khoa học, còn được gọi là những con vật vũ trụ, người đời gán cho chúng những khả năng siêu phàm có thể chi phối đến cuộc sống nhân thế khác nhau. Linh vật thường không mang hình tượng nhân dạng, nên về mặt nào đó quyền năng cũng bị hạn chế hơn. Song ở đó đôi khi lại hội tụ những chức năng cụ thể, nhằm tất cả về con người, vì mối quan hệ nhân sinh – vũ trụ…
Các bài viết trong sách cũng kể các câu chuyện rồng, phượng, nghê... qua nhiều thời kỳ. Chẳng hạn, con nghê từ thế kỷ 11 - 12 có thân thú mập tròn ra sao. Nó có tóc kiểu sư tử đực, nhưng được kết lại bởi những cụm hình văn dấu hỏi như thế nào. Ngoài ra, nhóm làm sách còn kể những câu chuyện Việt hóa của các linh vật trong di tích Việt Nam, bởi có những linh vật lúc đầu là ngoại lai, mà rồng là ví dụ. Linh vật rồng trong di tích của người Việt thế kỷ 15 chịu ảnh hưởng nhiều của phương Bắc.
Những tư liệu trong cuốn sách này, theo TS Hoàng Đạo Cương, được đưa ra để giúp những người làm trùng tu có thể phục dựng tốt hơn các di tích. Chưa kể, theo một số nhà nghiên cứu, các tư liệu về linh vật sẽ chấm dứt “cơn khát” về biểu tượng trong các di tích gần đây. Nhất là khi chúng ta phát động việc loại trừ các linh vật ngoại lai đặt trong di tích, thì điều khó nhất là bỏ các linh vật ngoại lai đó đi thì đặt gì vào đó, người dân cung tiến gì vào đó. Và cuốn sách này có thể là một gợi ý về các linh vật Việt.
Hình tượng linh vật trong các di tích kiến trúc, theo đánh giá của GS Hoàng Đạo Kính thì đó không chỉ là một quỹ tư liệu hiếm hoi, mà còn là một dạng di sản đặc biệt: Di sản từ di sản.