Thời gian qua, tại nhiều trường tiểu học và THCS ở không ít địa phương xuất hiện những giờ học tự nguyện bị xếp xen kẽ với những giờ học trong chương trình chính khóa.
Ngao ngán tự nguyện kiểu bắt buộc
Trên thực tế, hiện nay, hầu hết các trường tiểu học đều đưa các loại hình dạy tiếng Anh tăng cường, Giáo dục kỹ năng sống, Giáo dục STEM liên kết các trung tâm bên ngoài. Đây có thể nói là các loại hình giáo dục rất tốt đối với học sinh, nhưng cách làm của các nhà trường thì lại không hề tốt. Việc liên kết thông qua các trung tâm có thể thu được “hoa hồng” lớn do các trung tâm trích lại. Số “hoa hồng” đó chính là do số tiền tăng thêm từ mỗi tiết dạy.
Đơn cử làm một phép tính ở một số trường học tại Thái Bình, hiện tại, mỗi tiết dạy thêm ở tiết 4 buổi chiều, tăng thêm so với quy định dạy 7 tiết/ngày, nhà trường chỉ thu khoảng 5.000 đồng. Nhưng nếu thông qua trung tâm thì số tiền 1 tiết đó có thể tăng gấp 3 - 6 lần. Trong đó, Giáo dục kỹ năng sống và STEM các trung tâm thu 60.000 đồng, dạy tiếng Anh là 130.000 đồng/tháng 4 tiết, mỗi tuần 1 tiết. Theo chia sẻ của các thầy cô, số tiền tăng thêm đó phải trích lại phần trăm cho các trung tâm. Nhưng thực chất là các trung tâm chỉ được một phần trong đó, còn lại là đi về đâu?
Nhiều phụ huynh có con học tiểu học tại TPHCM bức xúc việc trường gửi thời khóa biểu với những tiết học chèn môn tự nguyện vào môn chính khóa. Các môn như kỹ năng sống, STEM,... được chèn xen kẽ với những giờ học chính khóa nhiều ngày trong tuần. Điều đáng nói là các môn tự nguyện được chèn vào giờ học chính khóa trong thời khóa biểu rất nhiều nên phụ huynh thậm chí không phân biệt được môn học nào là tự nguyện, môn học nào là chính khóa nữa. Nhà trường nhập nhằng khiến hầu hết phụ huynh không có lựa chọn nào khác, đành phải cho con học tự nguyện kiểu ép buộc.
Tương tự vào đầu năm học 2023 - 2024, nhiều trường học tại Hải Phòng đã tổ chức liên kết dạy kỹ năng sống, tiếng Anh yếu tố nước ngoài cho học sinh. Mặc dù triển khai trên tinh thần tự nguyện, song nhiều phụ huynh phản ánh, họ chỉ nhận được mẫu đơn đăng ký mà không được phổ biến về nội dung liên kết này.
Tại Hà Nội, nhiều trường tiểu học hiện đang triển khai chương trình dạy học tiếng Anh liên kết. Một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đưa ra 3 chương trình dạy liên kết với đơn vị tư nhân (chưa tính các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp), gồm: Tiếng Anh BME-KIDs (mức thu 150.000 đồng/tháng); tiếng Anh Toán (mức thu 100.000 đồng/tháng); bổ trợ tiếng Anh thông qua bộ môn Khoa học STEM (mức thu 150.000 đồng/tháng). Một trường tiểu học khác ở quận Cầu Giấy cũng triển khai chương trình làm quen tiếng Anh, tiếng Anh thông qua ngôn ngữ Toán - Khoa học đối với học sinh lớp 1, 2. Một tuần 4 tiết, mức giá hơn 460.000 đồng/học sinh/tháng và 4.140.000 đồng/học sinh/năm học (9 tháng). Dù nói là tự nguyện, nhưng điều khiến phụ huynh bức xúc là các tiết học được chèn vào các giờ học chính khoá, khiến phụ huynh khó lòng từ chối tham gia.
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm
Nhiều băn khoăn được đặt ra cần sớm có lời giải, rằng tại sao các trường phải mở thêm các lớp, thiết kế thêm các tiết dạy tăng cường xen vào giờ học chính khóa của học sinh. Không lẽ chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 do Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) ban hành chưa đủ để đào tạo học sinh một cách toàn diện?
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, không thể nói hiệu trưởng không biết mình đang làm sai nguyên tắc khi cố tình đưa giờ liên kết, cụ thể như tiếng Anh với người nước ngoài vào giờ học chính khóa, thay vì bố trí ở tiết cuối cùng để em nào không học có thể ra về. Bố mẹ không thể bỏ dở công việc để về đón con khi thời gian mới vào đầu giờ chiều được.
Còn TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phân tích, định hướng của chương trình mới là đảm bảo học sinh, đặc biệt là bậc tiểu học, THCS có thời gian trải nghiệm, có thời gian nhận thức, rèn luyện các kỹ năng, có thêm thời gian để tham gia các hoạt động về nghệ thuật, âm nhạc, trải nghiệm... chứ không phải tăng giờ học, nhồi nhét các kiến thức. Việc các trường liên kết với các trung tâm bên ngoài để dạy thêm sẽ đưa phụ huynh, học sinh vào thế khó.
Theo ông Lâm, điều này không đúng với mục tiêu của chương trình mới. Phụ huynh cũng cần nhận thức rõ điều này để hiểu đúng về chương trình GDPT mới. Phía các cơ quan quản lý, các Sở GDĐT cần thanh tra, lấy ý kiến của phụ huynh về hoạt động dạy thêm, học thêm, dạy liên kết trong trường học. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về các hoạt động trong trường.
Hà Nội sẽ có văn bản chấn chỉnh việc dạy môn liên kết
Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở đang rà soát hoạt động dạy học liên kết trong các trường phổ thông trên địa bàn, đồng thời sẽ sớm có văn bản chấn chỉnh. Trước đó, để quản lý các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, theo nhu cầu người học, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản để các địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định: Thông tư 04/2014-TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 về ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tin học...