Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam (Ban thường trực) vừa có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ; Bộ Xây dựng; Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội về phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo đó, để bảo đảm quán triệt đầy đủ, cụ thể hơn quan điểm của Đảng, cụ thể hóa đầy đủ, chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành, Ban Thường trực đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo luật về các vấn đề liên quan đến bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển nhà ở, về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân, về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội, về phát triển nhà ở của các thành viên hộ gia đình, cá nhân, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và các quy định liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân về nhà ở; đánh giá kỹ các tác động tích cực, tiêu cực của mỗi nội dung sửa đổi, bổ sung, nhất là các quy định liên quan tới các quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền có chỗ ở đã được các văn kiện của Đảng và Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.
Trên tinh thần đó, các quy định cụ thể của dự thảo luật phải bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn nữa quan điểm của Đảng tại Mục XII Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII về tăng cường, mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bên cạnh đó, qua rà soát các quy định của dự thảo luật cho thấy vẫn còn một số quy định về bảo đảm quyền sở hữu nhà ở, về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư; các quy định bảo hộ quyền sở hữu nhà ở, đảm bảo quyền không bị phá dỡ nhà ở một cách bất hợp pháp, quyền được khôi phục nhà ở thông qua các quy định về tái định cư, xây dựng lại nhà chung cư sau phá dỡ các chính sách, biện pháp để phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở và các biện pháp để hài hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và người dân chưa được giải quyết thấu đáo, chưa bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế và phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa các nội dung này để bảo đảm tính hợp Hiến, tính tương thích của dự thảo luật.
Ban Thường trực cũng nhận thấy, Điều 40 dự thảo luật quy định chủ đầu tư nhà ở thương mại thuộc một trong các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất, trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất, hoặc có quyền sử dụng đất khác như: “Đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền một lần và được chuyển mục đích sang làm nhà ở; Đất xen kẹt không đủ điều kiện để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở độc lập theo quy định của pháp luật đất đai và được Nhà nước giao để thực hiện dự án”.
Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê bao gồm sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; Sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao” (khoản 2 Điều 120) và quy định các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 nêu trên thì “Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm” (khoản 3 Điều 120). Như vậy, dự án thuộc trường hợp có quyền sử dụng đất khác như quy định dự thảo luật Nhà ở sẽ thuộc trường hợp nào?, được Nhà nước giao hoặc cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm hoặc trả tiền một lần như quy định tại Điều 40 Dự thảo Luật Nhà ở hay thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm như quy định tại dự thảo Luật Đất đai cũng là vấn đề còn nhiều băn khoăn, khó xác định.
Trên tinh thần đó, để các quy định của dự thảo luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành, đạt được mục tiêu sửa đổi luật “khắc phục mâu thuẫn, chồng chéo của Luật nhà ở hiện hành với các luật được ban hành sau Hiến pháp năm 2013 và nhất là với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) với vị trí là đạo luật có yếu tố quyết định, chi phối tới các chế định tương ứng trong dự thảo Luật nhà ở, Ban Thường trực đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật để có sự căn chỉnh cho phù hợp, đồng thời cân nhắc kỹ thời điểm trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Nhà ở phù hợp với thời điểm trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).